Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới

Cập nhật ngày: 14/07/2021 17:45:49

ĐTO - Nhằm hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước, địa phương và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh có sự tác động của dịch bệnh Covid-19 là mục tiêu mà Ban Chỉ đạo “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (NVNƯTDHVN) tỉnh Đồng Tháp đặt ra, góp phần phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2021, việc phối hợp triển khai thực hiện cuộc vận động đã đạt được những kết quả quan trọng.


Người tiêu dùng chọn mua hàng nội địa

Công tác tuyên truyền Cuộc vận động NVNƯTDHVN được các cấp, ngành quan tâm thực hiện với nhiều nội dung thiết thực, hình thức đa dạng phong phú. Tạo sự đồng thuận với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đã làm lan tỏa mạnh mẽ lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về Cuộc vận động ngày càng sâu sắc, thay đổi hành vi tiêu dùng, ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước có chất lượng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước đã nâng dần ý thức, trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng đầu tư bao bì, nhãn hiệu, cải thiện mẫu mã, chất lượng; thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều kênh phân phối mới phù hợp thị trường, nhiều đợt giảm giá, khuyến mãi kích thích tiêu dùng; có nhiều mô hình, điển hình trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quản lý, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Công tác vận động, kêu gọi đầu tư, mở rộng thị trường, đưa hàng Việt Nam đến nông thôn được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, tổ chức nhiều đợt bán hàng Việt khuyến mãi vào các dịp lễ, tết. Trong bối cảnh tập trung kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, tỉnh đã tổ chức các gian hàng bán sản phẩm tiêu dùng thiết yếu và sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao, 4 sao… tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiêu thụ hàng hóa Việt. Hàng hóa trên thị trường tương đối ổn định, phong phú, dồi dào đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân, không xảy ra tình trạng tăng giá quá mức gây bất ổn thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 50.728 tỷ đồng, tăng 10,11% so với cùng kỳ và đạt 46,93% so với kế hoạch. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã triển khai thành lập 238 Tổ người tiêu dùng với gần 3.900 thành viên; 91 Câu lạc bộ NVNƯTDHVN với hơn 2.700 thành viên rộng khắp trên địa bàn khu dân cư. Các mô hình sáng tạo này chính là nơi trao đổi thông tin các sản phẩm hàng Việt chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng một cách thiết thực, hiệu quả nhất là đem lại lợi ích đối với chị em tiểu thương, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Cuộc vận động NVNƯTDHVN.

Công tác phối hợp quản lý chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hàng Việt Nam được quan tâm thực hiện thường xuyên như kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; việc niêm yết giá, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam. Công tác phối hợp vận động Nhân dân tham gia phát triển các sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm OCOP của địa phương, đơn vị được chú trọng. Với phương châm tạo mối liên kết, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản phẩm bản địa. Đến nay đã có 161 sản phẩm được công nhận đạt hạng từ 3 đến 4 sao của 64 chủ thể. Phần lớn các sản phẩm được cấp tiêu chuẩn chất lượng, mã số vạch; thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài những kênh truyền thống, hiện nay các chủ thể có sản phẩm OCOP của tỉnh đã linh hoạt bán hàng trên các trang điện tử tiki, lazada, shopee, sàn giao dịch điện tử Đồng Tháp.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện cuộc vận động như còn thiếu tính gắn kết nên chưa phát huy hết sức mạnh của địa phương. Công tác phối hợp giữa các ngành trong việc quản lý thị trường có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đầu tư bao bì, nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm nên sức cạnh tranh chưa cao. Một số doanh nghiệp còn có tư tưởng lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hết hạn sử dụng, hàng nhái, hàng giả đội lốt doanh nghiệp trong nước để bán cho người tiêu dùng; chính sách chăm sóc khách hàng, bảo trì, bảo hành của một số doanh nghiệp chưa tốt, còn gây bức xúc trong nhân dân. Người tiêu dùng vẫn còn chuộng hàng ngoại; tâm lý người tiêu dùng chưa mặn mà với hàng Việt, do một số hàng hóa giá còn cao nên sức tiêu thụ chưa nhiều.

Những hạn chế trên do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường nên các hoạt động tập trung gắn với quảng bá sản phẩm, công tác tuyên truyền, vận động cho người dân tham gia cuộc vận động còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đầu tư ứng dụng khoa học, kỹ thuật; năng lực tiếp cận kinh tế số của các doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế; mức độ tham gia của các doanh nghiệp trong tỉnh vào các chuỗi cung ứng khu vực vẫn còn hạn chế; tính hỗ trợ, liên kết, hợp tác chưa nhiều; tính đặc thù, độc đáo của hàng hóa chưa phổ biến.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động NVNƯTDHVN từ nay đến cuối năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, cần tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động NVNƯTDHVN trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần quan tâm chất lượng sản phẩm, mẫu mã hình thức, mở rộng thị trường, để quảng bá sản phẩm khuyến khích người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng hàng nội địa. Nâng cao hơn tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng nội địa khi thực hiện mua sắm công. Từng cán bộ, đảng  viên và nhân dân cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong hành vi tiêu dùng đối với hàng sản xuất trong nước, chung tay góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đ.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn