Tỉnh đã xây dựng nhiều chuỗi liên kết cho ngành hàng chủ lực

Cập nhật ngày: 14/12/2022 05:39:12

ĐTO - Ngày 13/12, Sở Công Thương tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù giai đoạn 2021 – 2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 200/KH-UBND).


Đại biểu dự hội nghị

Theo Sở Công Thương, qua 2 năm triển khai thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, các sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; các chính sách, chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) được triển khai và đã phát huy hiệu quả; nhiều ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã được triển khai, góp phần làm giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm... Tỉnh đã xây dựng ít nhất 10 chuỗi liên kết cho ngành hàng chủ lực của tỉnh (lúa gạo, cá tra, xoài, sen) và của địa phương (nhãn, khoai lang, chanh, cam, quýt, ớt, khoai môn...) có áp dụng truy xuất nguồn gốc (mã vùng trồng, vùng nuôi, QR Code); hỗ trợ công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu cho ít nhất 10 nhãn hiệu chứng nhận; có 100% nông sản đặc thù có văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được hỗ trợ tư vấn phát triển bao bì, nhãn hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; đã tổ chức 22 lớp đào tạo, tập huấn về thị trường, kinh tế hợp tác, chuỗi cung ứng, quy trình sản xuất theo quy chuẩn và đáp ứng nhu cầu thị trường; có 79 HTX, tổ hợp tác được tư vấn và cung cấp các giải pháp về cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch, có liên kết, hợp tác với DN cung ứng vật tư, kỹ thuật đầu vào, tiêu thụ sản phẩm.

Nhìn chung, việc thực hiện các chỉ tiêu cơ bản đảm bảo tiến độ của kế hoạch đề ra, từng bước hình thành chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, phát triển nhãn hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Tại hội nghị, đại diện nhiều sở, ngành, địa phương, DN, HTX đã tập trung đưa ra các giải pháp phát huy hiệu quả, giải quyết các khó khăn, nhất là về việc nhiều HTX có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực nội tại còn hạn chế, diện tích sản xuất còn manh mún, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường; DN chưa thật sự chủ động trong việc xác định thị trường tiêu thụ để tiếp cận, giới thiệu các sản phẩm và khai thác các thị trường tiềm năng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, chưa có sự tham gia sâu của khâu chế biến, bảo quản, chế biến tinh; công tác phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch số 200/KH-UBND có lúc chưa chặt chẽ, chưa đề xuất các chính sách đặc thù nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn