Triệt xóa hàng chục vụ phạm pháp trên lĩnh vực kinh tế

Cập nhật ngày: 28/06/2015 10:15:43

Hiện tại, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm ở 3 xã biên giới Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B và Thường Phước 1 của huyện Hồng Ngự đôi lúc, đôi nơi diễn biến khá phức tạp với 2 mặt hàng chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại và đường cát Thái Lan. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Tháp, do giá cả chênh lệch của thuốc lá điếu từ 10.000 – 20.000 đồng/cây (mỗi cây 10 gói) và từ 70.000 – 100.000 đồng/bao (mỗi bao 50kg) đường cát Thái Lan ở khu vực biên giới sau khi đến nội địa nên nhiều người tham gia buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua biên giới.


Nghi vận chuyển hàng hóa (đường cát) từ xã biên giới
Thường Thới Hậu B vào nội địa tiêu thụ

Cũng theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Tháp ở xã biên giới Thường Thới Hậu B (Hồng Ngự), thủ đoạn hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm không mới, chủ yếu là chẻ nhỏ hàng hóa rồi đưa qua biên giới. Riêng đối với mặt đường cát ngoại nhập lậu, các đối tượng xé lẻ, sang bao hoặc ra cây cho vào can nhựa vận chuyển qua biên giới, rồi sử dụng xe mô tô vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ. Đáng chú ý là tình trạng sử dụng xe mô tô vận chuyển thuốc lá (dưới 1.500 gói) chạy tốc cao, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Theo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 29/4 đến ngày 20/5/2015, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 58 vụ với 17 đối tượng vận buôn bán, vận chuyển hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, trong đó vận chuyển thuốc lá ngoại 38 vụ với 7 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm: 26.552 gói thuốc lá ngoại các loại, 5.427kg đường cát do Thái Lan sản xuất, 14 xe mô tô với tổng trị giá tài sản khoảng 270 triệu đồng.


Triệt xóa một vụ vận chuyển hàng cấm không có nguồn gốc rõ ràng

Điều đáng quan tâm, các vụ vận chuyển hàng cấm bị ngành chức năng phát hiện, bắt giữ thì tỷ lệ đối tượng tái phạm (trước đó bị xử phạt vi phạm hành chính về vận chuyển hàng cấm thời gian trên 12 tháng) chiếm tỷ lệ khoảng 60% cũng như không có nghề nghiệp ổn định. Do đó, vấn đề đặt ra cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động, nhất là ở khu vực biên giới, nhằm góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu trên địa bàn tỉnh.

                  Tin, ảnh: Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn