Hồng Ngự

Xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Cập nhật ngày: 29/10/2014 14:12:51

Thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn giai đoạn 2011 – 2015, đến nay các cấp ủy, chính quyền của huyện Hồng Ngự lãnh đạo, chỉ chỉ đạo triển khai thực hiên đạt nhiều kết quả quan trọng.


Mô hình nuôi lươn trong bể xi-măng góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân

Theo đó, đã phê duyệt xong 11/11 quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp. Công bố 100% quy hoạch được phê duyệt ra dân. Chất lượng các hồ sơ quy hoạch đảm bảo đúng theo nội dung được hướng dẫn tại các quy định có liên quan và đồ án quy hoạch điển hình. Đồng thời, tất cả các xã trên địa bàn đã xây dựng xong đề án NTM cấp xã (đạt 100% kế hoạch) và triển khai thực hiện đề án đã duyệt. Các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ nông thôn của huyện Hồng Ngự phát triển rất khả quan, có sự tăng dần qua các năm. Toàn huyện Hồng Ngự có 173 cơ sở chế biến, sản xuất công nghiệp; 88 cơ sở tiểu thủ công nghiệp; 890 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương để nâng cao thu nhập.

Trong sản xuất nông nghiệp, địa phương có nhiều mô hình hiệu quả tiếp tục triển khai thực hiện như: mô hình canh tác mè trên nền đất lúa, sản xuất rau an toàn, nuôi tôm trong mùa lũ, chăn nuôi cá lóc trong ao, cánh đồng liên kết... Ngành nông nghiệp đang phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tiếp tục hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX trong việc tập huấn, nâng cao trình độ quản lý, hỗ trợ thiết bị sản xuất theo kế hoạch. Qua đó, đã hỗ trợ và tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hộ dân của một số mô hình như: cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại, chăn nuôi vịt an toàn sinh học, nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học, nuôi heo thịt sử dụng đệm lót sinh học, nuôi lươn trong bể xi măng hoặc bể nilon, nuôi cá lóc sử dụng thức ăn công nghiệp.

Địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng tốt các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là củng cố và phát triển các tổ hợp tác, HTX. Toàn huyện hiện có 22 HTX, trong đó có 20 HTX phục vụ tưới tiêu, 1 HTX thủy sản, 1 HTX vận tải. Có 19 HTX làm dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả; đã tổ chức đại hội củng cố HTX Thủy sản xã Phú Thuận B. Ngoài ra, đang triển khai trình tự thủ tục hợp nhất 11 HTX trong khu đê bao sản xuất chung thuộc địa bàn 3 xã Long Phú Thuận, dự kiến chậm nhất đến cuối tháng 5/2015 sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục giải thể 11 HTX và tiến hành đăng ký kinh doanh để HTX mới thành lập đi vào hoạt động.

Thông qua các chương trình, chính sách và dự án cơ giới hóa trong sản xuất, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng cao: toàn huyện có 228 máy xới tay 2 bánh, 148 máy cày, 478 công cụ sạ hàng, 109 máy gặt đập liên hợp, 9 máy gặt xếp dãy, 53 máy sấy, 67 máy suốt, 1.925 máy phun thuốc có động cơ; tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa đạt 95%, giúp nông dân giảm thất thoát 10.569.600 tấn lúa và tiết kiệm chi phí sản xuất hơn 378,450 triệu đồng.

Ngoài ra, huyện Hồng Ngự cũng thực hiện khá tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức trên 68 lớp, điển hình như: đan giỏ xách nhựa, ghế nhựa, gắn kết cườm, may công nghiệp, may dân dụng, chăm sóc móng - tóc, trồng hoa kiểng bonsai, trồng RAT, công nghiệp xây dựng, sửa chữa máy phun xịt, trồng nấm rơm... thu hút hơn 1.924 lao động tham gia học nghề. Hàng năm, các ngành liên quan phối hợp tổ chức nhiều đợt tư vấn, hội chợ việc làm giúp thanh niên lao động có cơ hội tiếp cận việc làm ổn định.

Tổng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn các xã trên 750,247 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và đóng góp của nhân dân. UBND huyện Hồng Ngự đã phân bổ xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo thứ tự ưu tiên, trong đó tập trung cho 3 xã điểm từ nguồn ngân sách. Điển hình: đầu tư nâng cấp, sửa chữa 100 công trình đường nông thôn, với tổng số 197,52km đường; nâng cấp và xây mới 8 cầu; thắp sáng đường quê 17 công trình với tổng số 52,15km; đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 101 công trình hạ tầng về thủy lợi góp phần hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân...

Hầu hết các công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và tỉnh, huyện đều thực hiện tốt, xác định thứ tự ưu tiên cho từng công trình và hoàn thành đúng thời gian; các công trình về giao thông, thủy lợi sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp địa phương phần nào giải quyết những nhu cầu cấp thiết trong sản xuất và phục vụ vận chuyển hàng hóa của người dân nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn rõ rệt.

Dũng Chinh

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn