Nhìn rõ tình hình thiên tai, bão lũ để chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời

Cập nhật ngày: 14/08/2023 05:18:41

ĐTO - Khí hậu đang biến đổi, diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, khó dự báo, đòi hỏi các ngành, địa phương cần có cách tiếp cận mới hơn trong phòng, chống thiên tai (PCTT), trong đó giải pháp phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ thiên tai. Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tại hội nghị sơ kết công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm về công tác PCTT, bão lũ năm 2023.


Hiện trường 1 vụ sạt lở tại xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chỉ rõ, thời gian qua, cả thế giới và trong nước, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, ngoài dự báo. Từ đó, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; tác động rất lớn đến an ninh chính trị, kinh tế, ảnh hưởng các chính sách vĩ mô của các quốc gia.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, dù thời gian qua không chịu tác động ảnh hưởng lớn của thiên tai, nhưng điều đáng lo ngại là tình hình sạt lở đang diễn biến vô cùng phức tạp, nhất là sạt lở nội đồng. Nếu như trước đây, bình quân mỗi năm, sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 3ha thì sạt lở nội đồng hiện nay đã hơn 3ha mỗi năm, sự chuyển hướng này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

Thiên tai, bão lũ trong thời gian tới không thể nào đoán định được. Tuy nhiên, điều mà các ngành, địa phương cần quan tâm là hiện nay tình hình lũ lụt tại Trung Quốc đã lan sang Campuchia, nguy cơ xả lũ từ các đập thượng nguồn rất lớn. Chính vì vậy, trong công tác phòng, chống lụt bão không thể tính toán theo phương thức xả lũ tự nhiên nữa mà phải có phương án ngay từ đầu, ngay cả tình huống xấu nhất. Đây là vấn đề mà các ngành, địa phương cần nhìn nhận một cách thấu đáo để chủ động các biện pháp ứng phó thiết thực.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm tra phương án; kinh phí, công tác tổ chức, phương tiện, vật tư, con người đối với công tác PCTT; xây dựng, tu bổ, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi; nạo vét, nâng cấp công trình trên sông, kênh, rạch đảm bảo tiêu thoát lũ, phòng, chống hạn hán; nâng cao công tác dự báo thiên tai, bão lũ sát với thực tế để thông tin kịp thời cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác PCTT...

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu, PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây và 6 tháng đầu năm 2023 làm cho các loại hình thiên tai như: lũ lụt, bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), mưa lớn, dông lốc, sét và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác xuất hiện thường xuyên và diễn biến phức tạp hơn, gây ra nhiều thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng, tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên sông Tiền xảy ra 3 vụ sạt lở tại các huyện: Lấp Vò, Thanh Bình, Hồng Ngự, với chiều dài sạt lở 0,22km, sạt 0,658ha, làm hư hại hoàn toàn 2 kè; sạt lở dạo (ăn mòn đất) xảy ra ở 2 huyện: Thanh Bình và Cao Lãnh với chiều dài khoảng 21km, diện tích sạt 1,25ha... ước thiệt hại là 7,55 tỷ đồng. Riêng về sạt lở nội đồng, trong 6 tháng, xảy ra 44 vụ tại các huyện: Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng, Lai Vung, Hồng Ngự và TP Sa Đéc, chiều dài sạt lở 1,78km, diện tích 0,482ha.

Theo nhận định, từ nay đến cuối năm 2023, tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp; hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện. Dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì đến tháng 9/2023 với xác suất khoảng 80-90%. Về hoạt động bão, ATNĐ, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 1 đợt ATNĐ, trong khi dự báo cả mùa bão năm 2023 khả năng có khoảng 8 - 15 cơn bão hoặc ATNĐ hoạt động trên Biển Đông. Do vậy, trong những tháng tới, nước ta có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão hoặc ATNĐ. Đây là thách thức trong công tác PCTT. Ngoài ra, mực nước các nơi trong tỉnh đang lên cao dần do ảnh hưởng kết hợp của triều cường và lũ từ thượng nguồn về, nhiều khả năng mực nước ở mức xấp xỉ, cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 - 0,5m.

Diễn biến lũ lụt, thiên tai khác thường vẫn còn ở phía trước, các ngành, địa phương cần phải nêu cao cảnh giác, hạn chế thiệt hại do biến động thời tiết, khí hậu gây ra...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn