Sự “chuyển hướng” ngoạn mục của nhà nghiên cứu Lê Ngọc Thạc

Cập nhật ngày: 27/09/2022 18:11:34

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220927061236dt2-7.mp3

 

ĐTO - Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp đã liên tục công bố và phát đi rộng rãi bài ca cổ “Về Tân Thuận Tây nhớ Người” của tác giả Lê Ngọc Thạc. Bài ca cổ là một trong rất ít tác phẩm văn học - nghệ thuật tại Đồng Tháp nói riêng, cả nước nói chung viết ca ngợi, tôn vinh một chí sĩ cách mạng, một danh nhân văn hóa nổi tiếng - Nguyễn Quang Diêu. Điều đặc biệt, đây chính là tác phẩm ca cổ đầu tiên của Lê Ngọc Thạc, khi anh “với tay” qua lĩnh vực sân khấu từ chính “vùng đất canh tác” quen thuộc của mình là văn nghệ dân gian (VNDG) và thơ Đường luật. Một tác phẩm đầu tay đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi, há chẳng phải là thành tích vang dội, đáng ngưỡng mộ hay sao?

Về lĩnh vực thơ ca, Lê Ngọc Thạc hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội thơ Đường luật Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội thơ Đường luật TP Cao Lãnh. Chính anh là một trong những người rất đam mê với phong trào sáng tác thơ Đường luật của tỉnh Đồng Tháp, của TP Cao Lãnh, nên đã cùng với một số anh chị em “đứng ra” gầy dựng, chèo chống phong trào và sáng lập nên một hội đoàn tự nguyện (tự các hội viên đóng góp kinh phí để trang trải mọi sinh hoạt) có uy tín không chỉ ở Nam Bộ mà còn ở phạm vi cả nước. Khoản hội phí đóng góp ấy, các anh chị đã tổ chức sinh hoạt định kỳ đều đặn mỗi tháng một lần, qua đó, công bố và đóng góp cho các sáng tác mới của hội viên; để tổ chức đi thực tế dã ngoại và giao lưu với các chi hội bạn trong cả nước; đặc biệt là để xuất bản định kỳ từng quý đặc san “Sen đất Tháp” với nội dung phong phú, thiết thực. Những việc làm và thành tựu ấy, có đóng góp không nhỏ của vị Chi hội Trưởng Lê Ngọc Thạc. Với nhiều tổ chức hội đoàn văn nghệ được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, có thể soi vào “mô hình” này để nhẹ đi những “đòi hỏi”, cũng như phải luôn biết làm “xã hội hóa” hiệu quả, để không ngừng vươn lên một cách tự chủ, tự tin hơn.

Về lĩnh vực VNDG, Lê Ngọc Thạc là hội viên Hội VNDG Việt Nam. Anh hiện là Chi hội phó Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp kiêm Phân hội phó Phân hội VNDG thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Tháp. Mặc dù, Lê Ngọc Thạc được kết nạp vào Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp và Hội VNDG Việt Nam chưa lâu (các năm 2014 và 2015), nhưng thành tích hoạt động và sáng tác của anh đã có một bề dày đáng nể. Anh đã được Hội VNDG Việt Nam đầu tư sáng tác và xuất bản công trình dày 202 trang khổ 14,5 x 20,5cm: “Mùa nước nổi và sự hình thành nét đặc trưng văn hóa dân gian Đồng Tháp” (ở Đồng Tháp, mới chỉ có 3 tác giả được Hội VNDG Việt Nam in tác phẩm: Nguyễn Hữu Hiếu; Trần Thị Ngọc Ly; Lê Ngọc Thạc). Trong lần gần nhất (tháng 5/2022 tại Vũng Tàu), Hội VNDG Việt Nam mở trại viết, Lê Ngọc Thạc cũng đã có đề cương tác phẩm được duyệt tham dự (cùng Phạm Thị Toán; Nguyễn Ngọc Tư).

Trong định kỳ xét đầu tư tác phẩm VHNT năm 2017 của Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp, công trình của Lê Ngọc Thạc đã đạt giải B (không có giải A). Đặc biệt, tại Giải thưởng VHNT Nguyễn Quang Diêu tỉnh Đồng Tháp lần thứ IV (2015 - 2020), công trình “Mùa nước nổi và sự hình thành nét đặc trưng văn hóa dân gian Đồng Tháp” của Lê Ngọc Thạc đã được tặng 1 trong 3 giải B. Có thể nói, dù là một nhà nghiên cứu trẻ (xét về thời gian được kết nạp vào Hội VNDG Việt Nam), nhưng tác giả Lê Ngọc Thạc đã có những “bứt phá”, qua đó sưu khảo, nghiên cứu, cho ra đời nhiều công trình VNDG có giá trị, gắn với vùng đất Đồng Tháp quê hương.

Như đã nói ở trên, gần đây, độc giả, khán, thính giả bỗng nhiên được biết đến một cây bút sáng tác ca cổ tuy rất mới, lạ, song đã để lại ít nhiều dư âm lắng đọng từ chính các tác phẩm còn rất ít của mình. Ngoài “Về Tân Thuận Tây nhớ Người” đã lan tỏa một cách rộng rãi, một tác phẩm ca cổ khác của Lê Ngọc Thạc cũng đã được đánh giá cao trong đợt xét đầu tư tác phẩm VHNT năm 2021 của Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp: “Bên tượng đài tập kết” (đạt 1 trong 4 giải B thuộc chuyên ngành sân khấu).

Tác phẩm ca cổ của Lê Ngọc Thạc, có thể chưa hoàn toàn nhuần nhuyễn về phần âm nhạc (tức là phần ca từ chưa thực sự gắn kết một cách hài hòa, thấm đẫm với các làn điệu dân ca và vọng cổ; đương nhiên, vì đây mới chỉ là các tác phẩm đầu tay), song đề tài, chủ đề, nội dung, nhất là ý tưởng nhân văn ở đó lại rất nổi bật, lung linh, lan tỏa. Lê Ngọc Thạc đã biết chọn lựa vấn đề, tuy không mới, nhưng còn ít người quan tâm tiếp cận, khai thác. Chính điều đó đã làm nên một hướng đi riêng trong tác phẩm ca cổ ở Đồng Tháp, có thể khái quát là “rất Lê Ngọc Thạc”, đó là tìm hiểu, ca ngợi, tôn vinh những danh nhân lịch sử - văn hóa, anh hùng trong xây dựng và bảo vệ quê hương của miền Đất Sen hồng. Cách tiếp cận để ca ngợi, tưởng nhớ chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, cũng như những cán bộ, bộ đội “đi tập kết”, trên cơ sở tiếp cận những địa danh, địa chỉ đỏ như vùng đất Tân Thuận Tây hay Bến bắc Cao Lãnh... là một “sáng tạo” của Lê Ngọc Thạc, rất cần được ghi nhận, ít nhất ở lĩnh vực sân khấu nói chung, ca cổ nói riêng.

Tiềm năng, tài năng của mỗi một văn nghệ sĩ, quả thực là bất tận... Trong một ngày đẹp trời nào đó, Nhà Nghiên cứu VNDG và tác giả thơ Đường luật Lê Ngọc Thạc đã “chuyển hướng” một cách ngoạn mục, để trở thành một cây bút viết ca cổ giàu sức sống và sức bật, hứa hẹn một mùa bội thu về lĩnh vực sân khấu của riêng anh cũng như của chuyên ngành này ở phía trước. Trong sự tin yêu và ngưỡng mộ đó, tin rằng sắp tới, “cây bút ca cổ trẻ” Lê Ngọc Thạc sẽ có thêm nhiều “Về Tân Thuận Tây nhớ Người” hay “ Bên tượng đài tập kết”, góp phần cùng Minh Tuấn, Thanh Hùng, Thanh Hà, Ngô Triều Dương, Bạch Phần, Thanh Bình, Lê Tấn Vũ... làm nên một đội ngũ tác giả viết ca cổ tài giỏi, giàu bút lực trên mảnh đất thấm đẫm mạch nguồn dân ca Đồng Tháp này.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn