Trang bị kiến thức đờn ca tài tử

Cập nhật ngày: 02/04/2014 06:20:24

Tại Đồng Tháp 185 học viên đang được tập huấn đờn ca tài tử (ĐCTT) góp phần giữ gìn, phổ biến giá trị văn hóa phi vật thể ĐCTT trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.


Các học viên tham gia lớp tập huấn

Đây là lớp tập huấn đầu tiên do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp và Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức. Các học viên tham gia lớp tập huấn là những người được ban tổ chức chọn lựa tại Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, các CLB ĐCTT trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thị, thành phố, các hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh. Ông Ngô Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trưởng Ban tổ chức lớp cho biết, lớp tập trung giảng dạy hàng tuần vào ngày thứ bảy cho những nghệ nhân, nghệ sĩ đã có một kiến thức nhất định về ĐCTT. Sau khi kết thúc tập huấn, các nghệ nhân, nghệ sĩ sẽ là những hạt nhân quan trọng để về cơ sở, địa phương mình truyền đạt cho lực lượng ĐCTT ở cơ sở, góp phần xây dựng phong trào ĐCTT vững mạnh ở cơ sở.

Trong từng buổi học, học viên được các giảng viên là nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ ưu tú,... đến từ TP.HCM vừa hướng dẫn lý thuyết, vừa “cầm tay chỉ việc” tận tình. Các học viên được học những nội dung như: kỹ năng cơ bản về thành lập, xây dựng, củng cố và hoạt động CLB ĐCTT; sơ nét về xuất xứ, nguồn gốc, cách thức thể hiện bài bản ĐCTT; nội dung cơ bản nhất và hay nhất của các bài bản ĐCTT trong 20 bài bản Tổ và các bài bản ĐCTT khác. Sau khi học được 3 tháng, nhiều học viên bày tỏ sự phấn khởi vì được các giảng viên hướng dẫn đàn hát tại lớp và được phát miễn phí các tài liệu, băng đĩa quý để về tự ôn luyện tại nhà. Nghệ sĩ Kim Phượng chia sẻ: “Trong quá trình tập huấn, mình hiểu sâu hơn về bài bản ĐCTT. Trước giờ có những bài bản giữa khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ không có sự thống nhất, nhờ tập huấn mình mới phân biệt được bài bản ở từng khu vực. Lớp cũng đã trang bị kiến thức ĐCTT để mình hát đúng chất tài tử. Trước hay lẫn lộn chất tài tử vào sân khấu cải lương, khi tham gia học mới biết chất tài tử chính thống”.

Dù còn 1 tháng nữa lớp tập huấn mới kết thúc nhưng với những nỗ lực học tập của học viên, các giảng viên lớp tập huấn cũng đã bày tỏ sự phấn khởi với những kết quả ban đầu đạt được. Nghệ nhân dân gian Lê Hoàng Tấn - Chủ nhiệm CLB ĐCTT, Trung tâm Văn hóa TP.HCM, giảng viên lớp tập huấn cho biết, lớp tuy có những học viên ở xa trung tâm TP.Cao Lãnh nhưng vẫn đi học đều, đông đủ. Sau thời gian học, mỗi người đều có sự tiến bộ rõ rệt, chững chạc hơn trong cách biểu diễn. Khóa tập huấn này không chỉ dạy học viên đờn, ca mà còn hướng dẫn cách tổ chức sinh hoạt, lập kế hoạch, soạn nội dung hoạt động của buổi ĐCTT ở cơ sở. Ngoài ra, giảng viên còn chỉ cho học viên biết cách nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác lời mới. Thời gian còn lại của lớp học, giảng viên sẽ hướng dẫn cách sáng tác lời ca cho phù hợp với địa phương học viên đang theo học, qua đó giúp phong trào ĐCTT địa phương không ngừng phát triển.

H.NG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn