Hợp tác xã chanh Cao Lãnh quyết tâm xây dựng thương hiệu

Cập nhật ngày: 24/07/2013 05:47:42

Những năm gần đây, diện tích trồng chanh của xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh liên tục tăng nhanh. Tính đến đầu năm 2013, diện tích trồng chanh của toàn xã là 412ha.


Xã viên HTX chanh Cao Lãnh chăm sóc, chuẩn bị cho mùa chanh mới

Lợi nhuận từ nghề trồng chanh khá hấp dẫn, trung bình 1 ha nhà vườn có thể lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, bà con nhà vườn vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi khi vụ mùa vào giai đoạn cao điểm cũng là lúc người trồng chanh thường bị ép giá qua nhiều tầng nấc, từ thương lái đến các doanh nghiệp. Xuất phát từ thực tế đó, Hợp tác xã (HTX) chanh Cao Lãnh ra đời với quyết tâm xây dựng một thương hiệu uy tín, bền vững cho sản phẩm chanh địa phương và đảm bảo được những quyền lợi cao nhất cho người nông dân.

Từ những ngày đầu thành lập, HTX chanh Cao Lãnh đã định hướng sản xuất theo mô hình GAP, vừa sản xuất sản phẩm sạch vừa xây dựng thương hiệu. Mô hình này nhằm đưa mặt hàng chanh của HTX ngày càng vươn xa hơn và là lựa chọn hàng đầu đối với người tiêu dùng. Trong thời gian đầu, để thay đổi tập quán canh tác của bà con là vô cùng khó khăn.

Nhớ về những ngày đầu gian nan trong quá trình vận động bà con tham giam HTX, ông Nguyễn Văn Liêm - chủ nhiệm HTX tâm sự: "Ban đầu bà con xã viên chưa tin tưởng theo định hướng của HTX nhưng chúng tôi kiên trì vận động bà con, phân tích những ưu điểm khi sản xuất theo qui trình sinh học. Vì vậy, tuy mới thành lập được 2 tháng nhưng HTX đã đạt được một số kết quả đáng kể. Hiện tại, HTX có 30ha chanh đang chuyển đổi sang canh tác theo mô hình GAP và có 32 xã viên tham gia nòng cốt, với vốn điều lệ là 142 triệu đồng. Hằng năm, HTX cung cấp cho thị trường trên 2.000 tấn chanh, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương".

Tham gia vào HTX, bà con xã viên được tập huấn trang bị kỹ thuật về xử lý chanh cho trái mùa nghịch theo hướng sản xuất an toàn nên các hộ tham gia HTX đã hạn chế được tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bà con xã viên ý thức sử dụng đúng theo danh mục của Trạm bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo. Đồng thời, đảm bảo thời gian cách ly sử dụng thuốc trước khi thu hoạch. Nhờ vậy, chanh của HTX luôn được thị trường ưa chuộng và bán được giá cao.

Chanh mùa nghịch được thu hoạch rộ chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Vì đây là thời điểm nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ chanh của thị trường rất lớn, chanh thường bán được giá. Dao động từ 15 ngàn - 35 ngàn đồng/kg. Có thời điểm giá chanh lên tới 45 ngàn đồng/kg.

Than gia HTX, bà con xã viên còn có cơ hội tham gia sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm canh tác. Ngoài ra, HTX còn xây dựng nguồn vốn xoay vòng hỗ trợ kịp thời cho các xã viên hoàn cảnh kinh tế khó khăn có điều kiện sản xuất đúng tiến độ của mùa vụ. Ông Nguyễn Văn Đông, xã viên ở ấp Bình Linh, xã Bình Tân phấn khởi cho biết: "Tôi rất vui khi trở thành xã viên HTX. Chưa bao giờ vườn chanh của tôi đạt năng suất cao và trái đẹp như năm nay. Điều đáng mừng là chi phí sản xuất thì giảm hẳn do áp dụng theo qui trình của mô hình GAP. Tôi hy vọng HTX sẽ tìm được những đối tác tin cậy để đầu ra cho sản phẩm chanh luôn ổn định và bán được giá cao hơn".

Nói về định hướng phát triển của HTX, ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh cho biết: "Để sản phẩm chanh được tiếp tục phát huy thế mạnh trong thời gian tới, huyện Cao Lãnh đã đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ cấp thương hiệu độc quyền cho chanh Cao Lãnh. Đồng thời, đến năm 2014 xã Bình Thạnh dự định sẽ vận động các hộ còn lại trên địa bàn xã tham gia HTX để đầu ra sản phẩm của bà con luôn được ổn định. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX có đủ tiêu chuẩn ký kết hợp đồng với những đối tác lớn, để thị trường tiêu thụ của HTX chanh rộng hơn, ổn định về giá cả hơn. Trong thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm chanh cung cấp cho những thị trường lớn tiềm năng ở TP. HCM và Hà Nội".

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn