Ngành trồng trọt phát triển theo hướng hạ giá thành, tăng chất lượng

Cập nhật ngày: 05/08/2023 05:19:54

ĐTO - Các địa phương trong tỉnh đã và đang mở rộng diện tích canh tác theo quy trình tiên tiến để hạ giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại có giá trị kinh tế cao hơn. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt trên 13.259 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 690 tỷ đồng) và bằng 44,54% kế hoạch năm.

6 tháng đầu năm, tỉnh tiếp tục phát triển ngành hàng lúa gạo thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất. Theo đó, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo ước đạt trên 6.843 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 103 tỷ đồng) và đạt 43,34% kế hoạch năm 2023; cấp được 355 mã số vùng trồng với 48.963ha (chiếm 25% diện tích canh tác lúa), có 6.676ha được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), 4.057ha được chứng nhận VietGAP; tình hình tiêu thụ ổn định, lợi nhuận tăng từ 5,5 - 8,1 triệu đồng/ha so với cùng kỳ (giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2022 - 2023, dao động từ 3.268 - 3.643 đồng/kg, tăng 163-182 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022; giá bán tăng từ 950 - 1.300 đồng/kg).

Ngành hàng hoa màu - cây công nghiệp ngắn ngày phát triển theo hướng vùng chuyên canh gắn tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (rau ăn lá, ăn quả, rau gia vị...) và khuyến khích phát triển luân canh trên nền đất lúa (cây màu, lương thực, sen, cây công nghiệp ngắn ngày...). Theo đó, giá trị sản xuất đạt 1.326 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 212 tỷ đồng), chiếm 44,5% kế hoạch năm; cấp được 67 mã số vùng trồng với tổng số 1.500ha, 6,9ha được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, 107,9ha được chứng nhận VietGAP. Tình hình tiêu thụ ổn định, người sản xuất có lợi nhuận từ 24 triệu - 77 triệu đồng/ha/vụ (so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận cây bắp tăng 12,1 triệu đồng/ha, sen tăng 18,2 triệu đồng/ha, khoai lang tăng 77 triệu đồng/ha).

Tỉnh phát triển ngành hàng hoa kiểng trở thành ngành hàng chiến lược của tỉnh và được tổ chức sản xuất theo hướng giá trị cao, đa dạng chủng loại theo thị hiếu người dùng, kết nối sản xuất với thị trường, doanh nghiệp để phát triển du lịch. Theo đó, giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) đạt 2.315 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 450 tỷ đồng), đạt 38% kế hoạch năm 2023.

Đối với ngành hàng cây ăn trái, tiếp tục phát triển thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn gắn với truy suất nguồn gốc, hướng đến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) ước đạt 2.776 tỷ đồng, giảm 2,65% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng giảm 76 tỷ đồng) và chiếm 56,6% kế hoạch năm 2023. Toàn tỉnh cấp được 504 mã số vùng trồng cây ăn trái với tổng diện tích 13.107ha, có 11ha được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, 703ha được chứng nhận VietGAP. Tình hình tiêu thụ ổn định, lợi nhuận bình quân đạt từ 16 - 179 triệu đồng/ha.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn