Nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp

Cập nhật ngày: 07/02/2023 06:06:13

ĐTO - Giai đoạn năm 2018-2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) theo dõi việc triển khai thực hiện 51 nhiệm vụ cấp tỉnh (18 nhiệm vụ chuyển tiếp từ các năm trước sang và 33 nhiệm vụ được ký hợp đồng triển khai thực hiện mới), trong đó, có 32 nhiệm vụ góp phần đưa ứng dụng KH&CN vào ngành nông nghiệp, sản phẩm nông sản đặc thù, chủ lực của tỉnh và của địa phương. Đồng thời đã tổ chức đánh giá nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng 28 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, trong đó, có 15 nhiệm vụ góp phần trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm nông sản đặc thù, chủ lực của tỉnh và đã được chuyển giao đến các đơn vị có liên quan để triển khai nhân rộng vào sản xuất và đời sống.


Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thâm canh và sơ chế, bảo quản khoai môn đạt hiệu quả kinh tế cao tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp” đã nghiệm thu, hứa hẹn nâng cao hiệu quả sản xuất khoai môn

Các kết quả nghiên cứu phần lớn tập trung vào áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu chuỗi giá trị một số sản phẩm chủ lực, chọn tạo giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, cải tiến quy trình kỹ thuật và biện pháp canh tác. Đầu mối tiếp nhận là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị trực thuộc Sở, đã triển khai ứng dụng thông qua việc phổ biến các quy trình kỹ thuật, tổ chức các buổi tập huấn và tổ chức tham quan học tập mô hình sản xuất mẫu. Qua đó, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân, hướng đến sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng cao.

Theo đó, về kỹ thuật canh tác mới, đề tài “Khảo nghiệm và phát triển các giống lúa ngắn ngày, thích nghi nhiệt cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo đáp ứng yêu cầu xuất khẩu” đã chuyển giao cho ngành nông nghiệp do Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tiếp nhận để ứng dụng; đề tài “Cải thiện giống cá sặc rằn (Trichogaster pectora lis Regan, 1909) bằng phương pháp chọn lọc” đã được Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng; dự án sản xuất thử nghiệm: “Sản xuất meo giống và nuôi trồng một số loại nấm ăn và nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao” đã được Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tiếp nhận để ứng dụng. Dự án sản xuất thử nghiệm (thuộc Chương trình nông thôn miền núi ủy quyền cho tỉnh quản lý): “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất một số chủng loại hoa chủ lực tại Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp”, do Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chủ trì thực hiện, đã góp phần phát triển ngành hàng hoa kiểng của tỉnh.

Đối với kỹ thuật canh tác mới, đề tài “Nghiên cứu biện pháp làm đất thích hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững trên đất trồng lúa 3 vụ tại Đồng Tháp”, đã được chuyển giao cho các đơn vị như: Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hồng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Bình. Song song đó, Sở KH&CN đã phối hợp chủ nhiệm cùng nhóm nghiên cứu tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan biết ứng dụng và nhân rộng (trong đó có hợp tác xã và hội quán).

Dự án sản xuất thử nghiệm: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế nhãn Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp”, đã được chuyển giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn Đồng Tháp, Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa để ứng dụng. Còn Dự án sản xuất thực nghiệm “Xây dựng mô hình sản xuất, sơ chế gắn với tiêu thụ đạt hiệu quả kinh tế cao đối với cây rau tại xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp”, đã được chuyển giao cho Sở NN&PTNT, Trung tâm Dịch nông nghiệp và Nước sạch nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hồng Ngự, Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự để ứng dụng.

Lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thực phẩm, kết quả đề tài “Nghiên cứu thay thế chất trợ lắng trong sản xuất bột gạo truyền thống tại tỉnh Đồng Tháp” đã được chuyển giao cho TP Sa Đéc và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, chuyển giao đến các hộ sản xuất bột tại Sa Đéc. Qua áp dụng, chất lượng sản phẩm tăng lên, đáp ứng yêu cầu cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Đơn vị chức năng cũng thực hiện Chương trình khuyến công về hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, kết hợp công tác tuyên truyền giới thiệu hiệu quả của đề tài “Nghiên cứu thay thế chất trợ lắng trong sản xuất bột gạo lọc truyền thống tại tỉnh Đồng Tháp” đã hỗ trợ cho 10 cơ sở tại TP Sa Đéc và huyện Châu Thành...

Ngoài các nhiệm vụ đã được chuyển giao, Sở KH&CN đang theo dõi việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm một số ngành hàng chủ lực của tỉnh như: đề tài (cấp Quốc gia): “Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp”; đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống phân loại xoài tự động”; đề tài “Nghiên cứu quy trình chế tạo vật liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất túi bao trái phục vụ canh tác xoài xuất khẩu tỉnh Đồng Tháp”; đề tài “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm AVG (aminoethoxyvinyl glycine) để kéo dài thời gian thu hoạch cho cây có múi (cam, quýt, chanh) và cây xoài của tỉnh Đồng Tháp”; dự án “Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu và giá thể trồng hoa kiểng quy mô công nghiệp cho Làng hoa Sa Đéc”.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn