Nhiều tín hiệu khởi sắc cho nông sản sạch ở huyện Lai Vung

Cập nhật ngày: 21/04/2017 15:05:07

ĐTO - Thay cho cách làm lủi thủi một mình như trước đây, nhiều nông dân huyện lai Vung đang bắt tay cùng nhau làm nông nghiệp sạch. Hiện đã có nhiều mặt hàng trái cây của nhà vườn ở đây được doanh nghiệp thu mua với mức giá khá cao, nhà vườn rất phấn khởi.


Video nông dân trồng quýt đường thu trái ngọt từ sản xuất sạch 

Một thời “nằm gai nếm mật”

Ý thức sản xuất nông sản sạch là một xu hướng tất yếu khi Việt Nam tham gia các sân chơi lớn của quốc tế, năm 2014, nhà vườn Tống Văn Phong của xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cùng một số nhà vườn khác ở đây đã rủ nhau “tầm sư học đạo” - học cách sản xuất quýt đường theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thời điểm đó, khái niệm về sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là một khái niệm vẫn còn khá xa lạ so với số đông người làm vườn ở Lai Vung. Lần đầu tiên một nhóm nhà vườn ở huyện Lai Vung bị cho là có tư tưởng “lập dị”, thoát ra khỏi cách sản xuất truyền thống đi tìm con đường sản xuất khác hơn cho trái quýt đường. Sau hơn 1 năm thay đổi cách làm, chịu khó ghi chép sổ nhật ký sản xuất tỉ mẩn, sau bao lần test đi test lại chất lượng cho trái quýt, hơn 10ha quýt đường đầu tiên của nhóm nông dân này được cấp chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.


Quýt đường GlobalGAP của Lai Vung hiện được doanh nghiệp thu mua với mức giá 40 ngàn đồng/kg, nông dân rất phấn khởi

Ông Tống Văn Phong - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới nhớ lại: “Lúc đó, cầm tấm chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP trong tay, anh em ai nấy mừng mừng tủi tủi, bởi bao cố gắng cuối cùng cũng được thừa nhận. Sau khi đạt chứng nhận GlobalGAP, tôi đem sản phẩm của mình đến chào hàng ở nhiều nơi, từ TP.Hồ Chí Minh cho tới thủ đô Hà Nội. Sau khi thưởng thức, phần lớn khách hàng đều nhận định, quýt đường Lai Vung quá ngon và câu chuyện chào hàng chỉ dừng lại như vậy. Bởi thời điểm đó, với người tiêu dùng, quýt đường đạt chuẩn GlobalGAP hay quýt đường trồng bình thường vẫn như nhau, sản phẩm của chúng tôi không được tách bạch rạch ròi với sản phẩm quýt đường truyền thống”.

Sau thời điểm được cấp chứng nhận nhưng sản phẩm quýt đường GlobalGAP vẫn bán đồng giá với sản phẩm thường, đã có một vài nhà vườn nản chí, xin ra khỏi THT vì không chịu được sự “kỳ thị” của các nhà vườn xung quanh.

Câu chuyện về sự khó khăn buổi đầu khi nông sản sạch tiếp cận thị trường của THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới là câu chuyện chung ở nhiều THT, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Thời điểm giao thoa giữa “tối và sáng” vẫn chưa rõ ràng, những mô hình đầu tiên luôn vướng nhiều điểm nghẽn. Tuy nhiên nếu bền chí, người nông dân sẽ chinh phục được người tiêu dùng bằng chính cái tâm của mình.

Quả ngọt đầu mùa

Khi những cách làm hay được lan tỏa, những ý tưởng táo bạo được công nhận đó cũng là thời điểm người nông dân được nhận lại “quả ngọt” từ những giọt mồ hôi của chính mình.

Tháng 9/2016, Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup chính thức đặt vấn đề liên kết tiêu thụ đối với sản phẩm quýt đường GlobalGAP của THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu vị thế của mặt hàng nông sản thế mạnh của huyện Lai Vung trên thị trường.

Hiện tại, quýt đường GlobalGAP của THT sản xuất quýt đường Vĩnh Thới được Công ty VinEco thu mua với mức giá ổn định và cao hơn khoảng 15 - 20% so với giá thị trường. Trung bình mỗi tháng công ty thu mua trên 30 tấn trái thương phẩm, dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Anh Đỗ Hiếu Nghĩa - thành viên THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới phấn khởi: “Trước đây bán bên ngoài giá thường rất bấp bênh, vào vụ thuận, quýt chín đầy vườn, kêu thương lái lại bán nhưng không ai tới mua. Giờ được liên kết với công ty, nỗi lo ngày mùa dội chợ không còn, thay vào đó là mình tập trung đầu tư vào sản xuất hàng hóa đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp đặt ra để sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường”.

Cùng chung niềm vui với nông dân trồng quýt đường ở xã Vĩnh Thới, nông dân trồng mận “trùm mùng” lưới ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung cũng “bén duyên” với Công ty VinEco từ trước Tết Nguyên đán. Nhờ cho mận “trùm mùng” và sản xuất theo quy trình an toàn mà sản phẩm mận An Phước của nhà vườn xã Phong Hòa vượt qua nhiều lần test mẫu trái khắt khe của doanh nghiệp. Được doanh nghiệp thu mua với mức giá cao và ổn định đã tạo được động lực và sức lan tỏa lớn ở địa phương. Hiện tại, ngoài các diện tích cây ăn trái đã được ký kết hợp tác với Công ty VinEco, nông dân địa phương đang nhân rộng mô hình sản xuất trái cây sạch. Không riêng quýt đường và mận An Phước, hiện nhiều sản phẩm trái cây khác như cam xoàn, thanh long ruột đỏ của huyện Lai Vung cũng đang được sản xuất theo quy trình an toàn.

Muốn tồn tại phải đổi mới tư duy

Mặc dù mới phát triển vài năm trở lại đây ở huyện Lai Vung nhưng cây thanh long ruột đỏ được trồng khá hiệu quả tại vùng đất được xem là “thủ phủ của cây có múi”. Giống như quýt đường và mận An Phước, hiện thanh long ruột đỏ cũng được trồng theo quy trình an toàn và bán cho doanh nghiệp với giá khá cao.


Thanh long ruột đỏ đem lại giá trị kinh tế cao cho nhà vườn

Là một trong những nông dân khởi xướng phong trào trồng thanh long ở xã Phong Hòa, anh Nguyễn Hữu Dư - Tổ trưởng THT sản xuất thanh long ruột đỏ xã Phong Hòa tâm sự: “Trong bối cảnh hiện nay để tồn tại bền vững, việc sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được xem là điều kiện tiên quyết. Song song đó, cùng nhau liên kết để hợp tác cũng là yếu tố quan trọng để nông dân tồn tại, sẽ rất khó thành công nếu chúng ta đi một mình. Khi cùng nhau liên kết, nông dân mới có sản lượng lớn để kết nối với doanh nghiệp, với thị trường lớn”.

Xem cùng nhau hợp tác để phát triển là kim chỉ nam, vì vậy dù chỉ mới thành lập từ tháng 5/2015 nhưng hiện tại THT sản xuất thanh long ruột đỏ xã Phong Hòa đã có trên 40ha với 55 thành viên. Hiện tại, nhiều nhà vườn trồng thanh long trên địa bàn xã cũng có nguyện vọng tham gia vào THT để được tập huấn về sản xuất an toàn cũng như được doanh nghiệp thu mua sản phẩm với giá ổn định.


Sáng tạo cho mận trùm mùng, giúp nhà vườn sản xuất trái cây sạch và an toàn hơn

Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, nhằm hỗ trợ cho nhà vườn tiếp cận với các mô hình sản xuất an toàn tiến tới chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP, HLV đã mở nhiều lớp tập huấn, mời các chuyên gia trong lĩnh vực cây ăn trái về hướng dẫn cho nông dân. Bên cạnh đó, HLV cũng tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái, nhờ sản xuất theo quy trình an toàn nên nhiều sản phẩm cây ăn trái đã được kết nối với doanh nghiệp. Hiện nay, HLV cũng đã định hướng nông dân bên cạnh chú trọng sản xuất cây ăn trái sạch thì cần sản xuất đa dạng chủng loại hơn, bởi đây sẽ là nền tảng để người nông dân có thể khai thác giá trị tăng thêm từ nền nông nghiệp xanh khi phát triển du lịch.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn