Huyện Lấp Vò

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu

Cập nhật ngày: 16/03/2023 05:39:44

ĐTO - Tiếp tục duy trì và phát huy các tiềm năng sẵn có trong nông nghiệp, năm 2023, huyện Lấp Vò triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.


Thời gian qua, huyện Lấp Vò tập trung phát triển ngành hoa kiểng theo hướng bền vững

Theo UBND huyện Lấp Vò, trong năm 2023, huyện sẽ triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và gắn kết với tiêu thụ; từng bước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp đối với lĩnh vực có điều kiện thực hiện...

Trong đó, đối với từng ngành hàng, huyện sẽ có những định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo lợi thế, nhu cầu thị trường. Với cây lúa, địa phương sẽ triển khai thực hiện cánh đồng liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ trong các vụ đông xuân, hè thu và thu đông với diện tích 4.730ha, tập trung tại các xã: Bình Thạnh Trung, Bình Thành, Vĩnh Thạnh, Tân Mỹ. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện tiếp tục thực hiện liên kết sản xuất lúa giống với Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP giống Đồng Tháp, Công ty TNHH Cửu Long... Đồng thời hỗ trợ một số địa phương thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất từ nguồn kinh phí hỗ trợ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP; hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán thực hiện đăng ký cấp mã số vùng trồng trên cây lúa với diện tích hơn 2.180ha...

Đối với cây màu, để tìm hướng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, các kênh tiêu thụ khó tính, huyện tiếp tục đầu tư phát triển vùng sản xuất màu tập trung ở các xã ven sông Tiền, đặc biệt là vùng sản xuất màu trọng điểm 126ha ở xã Mỹ An Hưng A; thực hiện sản xuất theo quy trình an toàn, VietGAP; ứng dụng công nghệ số vào vùng sản xuất để nâng cao khả năng quản lý, tăng cường công tác dự báo trong sản xuất. Đối với cây ăn trái, hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái; tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, hướng VietGAP, nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đối với các loại cây ăn trái.

Ngoài ra, trong năm 2023, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lấp Vò cũng tập trung đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, phấn đấu có ít nhất 6 sản phẩm được đánh giá, xét công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, xây dựng thương hiệu nông sản, hàng hóa tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường...


Nông dân xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò quan tâm phát triển sản phẩm kiệu theo định hướng thị trường

Là một trong những mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, thời gian qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hội An Đông (xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò) tập trung sản xuất các loại nông sản chủ lục như: khoai môn, kiệu, ớt... cung ứng mỗi năm hơn 1.000 tấn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Phú Nhuận - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hội An Đông, cho biết: “Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động, đơn vị sẽ tiếp tục ưu tiên sản xuất dịch vụ chế biến nông sản theo hướng an toàn. Cùng với đó, chuẩn bị hồ sơ đăng ký sản phẩm đạt chuẩn OCOP; đăng ký mã số vùng trồng...”.

Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, cho biết: “Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và kế hoạch thực hiện của huyện để tạo sự đồng thuận tốt. Cùng với đó, tập trung triển khai thí điểm các mô hình khuyến nông trình diễn gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ để nông dân tham gia thực hiện, tạo cho nông dân quen dần với phương thức sản xuất liên kết, đảm bảo chất lượng, số lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyên truyền, vận động nông dân tăng cường liên kết trong sản xuất, đảm bảo nông sản đạt về số lượng, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để giúp nông dân an tâm trong sản xuất...”.

Huyện Lấp Vò quan tâm hỗ trợ một số hợp tác xã nâng cao năng lực điều hành, quản lý trong quá trình thực hiện cánh đồng liên kết. Áp dụng các chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đầu tư máy móc, dây chuyền sơ chế, chế biến, đầu tư bao bì nhãn mác, quảng bá sản phẩm để phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị trên thị trường...

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn