Chính sách nhập cư: Thử thách lớn đối với EU

Cập nhật ngày: 27/10/2013 08:14:35

Cùng với đồng tiền chung euro, Hiệp định Tự do đi lại trong khu vực (hay còn gọi là Hiệp định Schengen) được xem như những thành tựu lớn nhất của Liên minh Châu Âu (EU) trong quá trình nhất thể hóa nhiều thập niên qua.


Nhiều người Châu Phi đã phải bỏ mạng ngoài khơi
 trong lúc cố gắng vượt biển sang Châu Âu.

Thế nhưng, cả hai "niềm tự hào" này đều đang bị lung lay dữ dội trước những khó khăn mà Lục địa già đang phải đối mặt. Đồng euro thì oằn mình trong cuộc khủng hoảng nợ kéo dài từ năm 2010, còn cơ chế Schengen đang có nguy cơ bị thay đổi do làn sóng di cư ồ ạt từ Châu Phi. Đây là chủ đề bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày (25 và 26-10) tại Brussels (Bỉ).

Trên thực tế, tình trạng di cư bất hợp pháp từ Lục địa đen luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo Châu Âu trong nhiều năm qua. Theo ước tính của các cơ quan di trú, trong vòng 20 năm qua, đã có 17-20 nghìn người Châu Phi phải bỏ mạng ngoài khơi trong khi cố gắng vượt biển để đặt chân vào "miền đất hứa" Châu Âu. Đặc biệt là kể từ thời điểm làn sóng mang tên "Mùa xuân Arab" đổ bộ vào Châu Phi, Trung Đông, kéo theo tình trạng rối loạn trên mọi mặt an ninh, chính trị, xã hội..., dòng người từ Lục địa đen bỏ sang Châu Âu ngày một gia tăng. Cùng với đó, nội bộ EU cũng căng thẳng theo. Điển hình là cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Italia và Pháp vào giữa năm ngoái.

Kể từ khi cơ chế tự do đi lại dành riêng cho hơn 400 triệu người ở EU ra đời vào năm 1995, do có vị trí gần nhất với Châu Phi, Italia đã trở thành "cửa khẩu" để những người vượt biên có thể nhập cư vào các nước Châu Âu. Kể từ khi bất ổn nổ ra tại khu vực Bắc Phi, theo thống kê, có tới hơn 25.000 người vượt biển sang các đảo ở miền Nam Italia. "Lực bất tòng tâm" trước sức ép của làn sóng nhập cư bất hợp pháp, Rome đã quyết định cấp thị thực Schengen 3 tháng cho những người này cùng với quyền di chuyển khắp Châu Âu, trong đó có Pháp - đích đến của phần đông những "vị khách không mời" từ bên kia bờ Địa Trung Hải. Động thái này khiến Paris nổi cơn thịnh nộ vì không muốn chịu những áp lực của dòng người di trú đang có xu hướng tăng nhanh. Trong khi Pháp cáo buộc chính quyền Italia đổ gánh nặng trách nhiệm lên nước khác thì Italia cho rằng, Paris thiếu "tinh thần bác ái" trong việc tiếp nhận người tị nạn sau sự bất ổn chính trị ở khu vực từng là thuộc địa của Pháp.

Cùng với Pháp, nhiều quốc gia EU cũng dần cảm nhận được sự bất cập của hệ thống đi lại tự do không cần visa, không bị kiểm soát ở đường biên giới khi tỷ lệ tội phạm gia tăng đồng hành với tỷ lệ nhập cư. Hậu quả là có tới 15/25 thành viên Hiệp ước Schengen đã ủng hộ việc xem xét lại chính sách đi lại tự do trong Châu Âu. Đan Mạch đã đơn phương thiết lập vĩnh viễn các trạm kiểm soát biên giới nhằm giải quyết tình trạng tội phạm và nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc thay đổi hiệp định đã tồn tại suốt 16 năm qua đang có nguy cơ thổi bùng một cuộc tranh cãi lớn hơn trong nội bộ EU, giữa một bên là Áo, Đức, Hà Lan - những quốc gia không muốn vác thêm gánh nặng người nhập cư trong hoàn cảnh phải ra sức "thắt lưng buộc bụng" như hiện nay và phía bên kia là các thành viên non trẻ ở Đông Âu vẫn cho rằng bất cứ sự đụng chạm nào với Schengen cũng sẽ gây ảnh hưởng tới tiến trình nhất thể hóa.

Chính vì những bất đồng trên mà cho đến nay, EU vẫn chưa đưa ra được một chương trình hành động cụ thể để giải quyết vấn đề có tính chất nhạy cảm này. Hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc cũng không phải là ngoại lệ. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí 3 nguyên tắc gồm ngăn ngừa, bảo vệ, đoàn kết trước làn sóng người di cư ồ ạt vào EU, đồng thời tài trợ vốn cho Cơ quan An ninh biên giới (Frontex) và nhanh chóng thực thi một chương trình chia sẻ nguồn dữ liệu từ hệ thống kiểm soát biên giới. Song kế hoạch cải cách chính sách nhập cư trong toàn khối sẽ phải lùi lại cho tới sau bầu cử EU vào năm 2014. Đành rằng thực lực của các quốc gia Châu Âu hiện nay không thích hợp để cáng đáng thêm những dòng người di cư từ Châu Phi, nhưng đó cũng không thể là lý do để bỏ mặc những con người đã đặt cược cả mạng sống của mình trên những con thuyền mong manh vượt biển để những mong tìm chốn mưu sinh. Vì vậy, chính sách nhập cư sẽ tiếp tục là một thử thách lớn đối với sự đoàn kết của các thành viên EU.

Quỳnh Chi/HNM

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn