Chính trường Thái Lan lại đứng trước nguy cơ bất ổn

Cập nhật ngày: 09/11/2013 07:40:46

Dự kiến chưa đầy 48 giờ nữa (ngày 11-11), Thượng viện Thái Lan sẽ xem xét thông qua dự luật ân xá theo đề xuất đảng cầm quyền Puea Thai (Vì nước Thái). Thế nhưng, dự luật gây quá nhiều tranh cãi này, theo giới bình luận, khó có thể vượt qua được "cửa ải" Thượng viện khi sức ép từ làn sóng biểu tình suốt tuần qua của hàng nghìn người do đảng Dân chủ (DP) đối lập tổ chức.


Hàng nghìn người Thái Lan đã xuống đường phản đối việc
 Hạ viện thông qua dự luật ân xá.

Sau nhiều tranh cãi trên chính trường, ngày 1-11 vừa qua, Hạ viện Thái Lan với đa số ghế thuộc về Puea Thai cầm quyền đã nhanh chóng thông qua giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của quá trình xem xét, thảo luận dự thảo luật ân xá. Tuy nhiên, quyết định chóng vánh này của Hạ viện ngay lập tức đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình đường phố ở thủ đô Bangkok. Tình trạng hỗn loạn do biểu tình khiến nhiều nước phải đưa ra khuyến cáo về du lịch đối với công dân của mình. Theo lập luận của DP, dự luật khi có hiệu lực sẽ xóa tội cho tất cả đối tượng liên quan đến các vụ bạo động đường phố trước đây, trong đó có việc sát hại những người biểu tình không có vũ trang. Không chỉ ra tối hậu thư yêu cầu Puea Thai bãi bỏ dự luật này, DP cùng những người phản đối cho rằng cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - người đã bị tòa án Thái Lan kết tội tham nhũng và kết án vắng mặt 2 năm tù đang sống lưu vong ở Dubai - anh trai của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra là người hưởng lợi nhiều nhất nếu dự luật được thông qua.

Những gì diễn ra 48 giờ qua trên chính trường Thái Lan cho thấy, "số phận" của dự luật được đánh giá là cần thiết để góp phần hòa giải dân tộc đang trở nên mong manh hơn. Trong một phát biểu mới nhất, Chủ tịch Thượng viện Nikom Wairatpanich khẳng định sẽ không chấp nhận trên nguyên tắc dự luật ân xá xóa tội cho tất cả đối tượng liên quan đến các vụ bạo động đường phố trước đây và có thể sẽ bãi bỏ dự luật. Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) cũng phản đối dự luật do lo ngại những hậu quả pháp lý và ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước. Một thành viên của NACC nêu dẫn chứng rằng, nếu dự luật trên trở thành luật sẽ xóa tội cho các hành vi tham nhũng trong 24 vụ kiện của Ủy ban Kiểm tra tài sản và 25.331 trường hợp do NACC đưa ra.

Chính trường đất nước Chùa Vàng một lần nữa lại đứng trước nguy cơ bất ổn mới khi Puea Thai cầm quyền vừa đệ đơn lên Ủy ban Bầu cử Thái Lan đề nghị cơ quan này yêu cầu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết giải thể DP đối lập vì vi phạm Luật Chính đảng. Theo bằng chứng mà Puea Thai có được, Chủ tịch DP Abhisit Vejjajiva đã phát biểu trước những người biểu tình phản đối dự luật ân xá tại đại lộ Ratchadamnoen ngày 5-11 vừa qua là điều bị cấm theo luật pháp Thái Lan. Như vậy cũng có nghĩa là DP đối lập đã vi phạm khoản 4, Điều 94, Luật Chính đảng và Ủy ban Bầu cử có thể đề nghị giải tán đảng này. Trong khi đó, khoảng 40 thượng nghị sĩ đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Yingluck Shinawatra giải tán Quốc hội để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử nhằm "trao lại quyền lực cho nhân dân", với lý do chính phủ hiện nay đã "để mất lòng tin của người dân đến mức không thể khôi phục được".

Bất chấp việc Hạ viện nước này vừa thông qua việc loại bỏ tất cả các dự luật ân xá và hòa giải khỏi chương trình nghị sự, làn sóng biểu tình tại Bangkok vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Khẳng định Chính phủ sẽ không tiếp tục thúc đẩy việc thông qua dự luật nếu Thượng viện phản đối, trong một phát biểu mới nhất trên truyền hình, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã kêu gọi người dân chấm dứt các cuộc xuống đường và cảnh báo rằng, tình trạng rối loạn này sẽ khiến các nhà đầu tư và du khách nước ngoài quay lưng với đất nước Chùa Vàng. Nhấn mạnh rằng ân xá không có nghĩa là quên đi những bài học đau buồn mà là để rút kinh nghiệm không để tái diễn những nỗi đau ấy với thế hệ trẻ, nữ Thủ tướng Thái Lan kêu gọi các thượng nghị sĩ xem xét dự luật trên tinh thần hòa giải và khoan dung.

Dự luật ân xá gây nhiều tranh cãi cần ít nhất 76 thượng nghị sĩ trong số 149 nghị sĩ thông qua để trở thành luật. Nếu bị bác, Hạ viện Thái Lan sẽ có 180 ngày để xem xét trước khi đệ trình lại. Trong khi chờ đợi câu trả lời từ Thượng viện, Chính phủ Thái Lan đã phải huy động gần 5.000 cảnh sát để bảo vệ các cơ quan chính phủ ở thủ đô Bangkok do lo ngại những cuộc biểu tình gây bất ổn. Với tình hình hiện nay, chưa biết đến bao giờ sự chia rẽ tại quốc gia Đông Nam Á mới kết thúc.

Đình Hiệp/HNMO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn