Đăng cai APEC 2017 - tầm nhìn dài hạn của Việt Nam

Cập nhật ngày: 09/10/2013 08:45:04

Trong ngày làm việc cuối cùng Hội nghị cấp cao APEC tại Bali (Indonesia), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định việc đăng cai APEC 2017 “thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á - Thái Bình Dương”.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các nhà lãnh đạo
tại Hội nghị APEC. Ảnh: AP

Ngày 8-10, phát biểu với báo giới sau khi Việt Nam chính thức được đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 năm 2017, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: “Là đầu tàu tăng trưởng và liên kết của thế giới, châu Á - Thái Bình Dương cũng chính là khu vực hội tụ hầu hết các đối tác chiến lược, các đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam”. Đây sẽ là đóng góp thiết thực nữa của Việt Nam trong việc góp phần duy trì vai trò và vị thế của APEC, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ 21 tự cường, năng động và thịnh vượng - động lực của tăng trưởng toàn cầu.

Các nước ủng hộ Việt Nam đăng cai APEC 2017

TTXVN cho biết, bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có tựa đề “Đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 năm 2017, Việt Nam chủ động, tích cực tham gia hợp tác APEC và hội nhập châu Á - Thái Bình Dương”.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, việc tích cực tham gia và đóng góp vào ASEAN, APEC thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời giúp chúng ta giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ các nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước. “Tiến trình hội nhập cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho các địa phương, cho cộng đồng doanh nghiệp và cho nhân dân ta”, Chủ tịch nước khẳng định.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, “với tư cách chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC năm 2017, chúng ta có được cơ hội quý báu để giới thiệu với cộng đồng quốc tế về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, có nhiều tiềm năng phát triển. Đây cũng là dịp vun đắp hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân ta với bè bạn quốc tế, là dịp để các đối tác, các doanh nghiệp, các tổ chức khu vực và quốc tế... hiểu rõ thêm về truyền thống lịch sử hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc, cũng như nhiều đặc sản của các vùng miền đất nước Việt Nam”. Chủ tịch nước cũng nói thêm rằng, chia sẻ với bè bạn quốc tế về tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á - Thái Bình Dương, đất nước và nhân dân ta sẽ vững bước đi lên trên con đường hội nhập toàn diện với tinh thần tự tin và sáng tạo.

Quyết định đăng cai APEC 2017 của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và đánh giá cao của tất cả các thành viên APEC để đưa vào Tuyên bố của Hội nghị cấp cao năm nay. Đây là lần thứ hai Việt Nam được giao trọng trách là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC, sau thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11-2006.

Thúc đẩy đàm phán TPP, hội nhập toàn diện

Chiều 8-10, cuộc họp cấp cao các nhà lãnh đạo 12 nước thành viên đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm: Brunei, Canada, Chile, Mỹ, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Peru, Singapore và Việt Nam, đã diễn ra. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự cuộc họp.

Đây là cuộc họp cấp cao lần thứ 4 của các thành viên tham gia tiến trình đàm phán TPP trong 3,5 năm qua kể từ khi đàm phán được khởi động vào tháng 3-2010 nhằm đi đến một hiệp định thương mại tự do giữa 12 quốc gia trên.

Cuộc họp đã thông qua “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” và “Báo cáo của các Bộ trưởng Thương mại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.”

Các nhà lãnh đạo khẳng định Hiệp định TPP là một liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao, đóng góp 40% GDP và 1/3 thương mại toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy đàm phán theo lộ trình, giải quyết các vấn đề còn lại để hoàn tất đàm phán trong năm 2013 nhằm đạt một hiệp định toàn diện, cân bằng, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, với những thành tựu nổi bật mà liên kết kinh tế APEC đạt được trong gần 25 năm qua, việc thúc đẩy kết nối khu vực trở thành nhu cầu tất yếu của hợp tác APEC trong những thập niên tới. Kết nối còn là nhu cầu khách quan của sự phát triển trong thế kỷ 21, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sáng tạo, công nghệ số và sự mở rộng nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, sáng kiến của nước chủ nhà Indonesia đưa kết nối trở thành một trọng tâm lớn của APEC năm 2013 là rất đúng thời điểm và hết sức thiết thực. “Tôi hoàn toàn ủng hộ thông qua “Khuôn khổ kết nối APEC”. Đây là tầm nhìn tổng thể, dài hạn đầu tiên của APEC về kết nối, có ý nghĩa quan trọng và là động lực mới để thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Bogor và liên kết kinh tế khu vực”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị APEC tích cực hỗ trợ mục tiêu xây dựng thành công Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015; phối hợp trong triển khai các dự án ASEAN về hạ tầng cơ sở, kết nối chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho thương mại, ứng phó với các thách thức toàn cầu và trường hợp khẩn cấp, an ninh lương thực và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các thành viên APEC có thể có những đóng góp ý nghĩa đối với hợp tác tiểu vùng Mekong, đặc biệt trong các chương trình kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Tăng cường kết nối giữa các vùng, miền trong nước và giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Theo AFP, tuyên bố chung đưa ra trong ngày cuối của hội nghị cho biết, các lãnh đạo APEC “mong muốn đạt được một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hội nhập và kết nối một cách toàn diện và liền mạch”. Tuyên bố nêu rõ: “Tăng trưởng toàn cầu hiện rất yếu, vẫn còn các nguy cơ suy thoái, thương mại đang yếu dần và triển vọng kinh tế cho thấy sự tăng trưởng thấp hơn mong đợi. Chúng tôi sẽ triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô để củng cố tăng trưởng và duy trì ổn định kinh tế, tài chính khu vực”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao ASEAN

Chiều 8-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23 và các hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei từ ngày 8 đến 10-10, theo lời mời của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah.

Tham gia đoàn có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh - Trưởng đoàn quan chức cao cấp ASEAN Việt Nam (SOM), Đại sứ Vũ Đăng Dũng - Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại ASEAN và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra trong lúc ASEAN quyết tâm đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng; tăng cường kết nối và hướng về người dân.

ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đoàn kết ASEAN tiếp tục được củng cố; quan hệ với các nước đối tác tiếp tục được tăng cường và làm sâu sắc thêm; vai trò và tiếng nói của ASEAN trong các vấn đề chung quan trọng ở khu vực được nâng cao. Tuy nhiên, ASEAN cũng đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là việc bảo đảm tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đề ra tầm nhìn sau năm 2015, cũng như xử lý hài hòa các vấn đề trong khu vực.

Đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị lần này với tinh thần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được thời gian qua, cùng các nước ASEAN và Chủ tịch ASEAN Brunei đóng góp vào thành công chung của hội nghị cấp cao; thúc đẩy đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, góp phần xây dựng một ASEAN vững mạnh, liên kết chặt chẽ; thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực; qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác.

TTXVN

ĐNĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn