Mỹ bị cáo buộc nghe lén EU: Đại Tây Dương gợn sóng

Cập nhật ngày: 03/07/2013 07:06:27

Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đang đối mặt với nguy cơ bị mất niềm tin của các đồng minh chí cốt ở Châu Âu sau khi thông tin các văn phòng của Liên minh Châu Âu (EU) bị Mỹ cài thiết bị nghe lén được công bố.


Tiết lộ mới nhất từ Edward Snowden đang gây sóng gió cho quan hệ Mỹ - EU.

So với những tiết lộ trước đó, tin tức động trời mà cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Edward Snowden đưa ra không chỉ gây sốc với Châu Âu mà còn khiến Washington vô cùng "khó ăn khó nói".

Theo những tài liệu mật, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) trong nhiều năm qua đã cài đặt thiết bị nghe lén tại các văn phòng của EU ở Washington, Brussels và New York, cũng như xâm nhập các mạng lưới điện toán nội bộ của EU để theo dõi những cuộc điện thoại, thư điện tử và các tài liệu khác. Danh sách các mục tiêu bị NSA nghe lén còn bao gồm các cơ quan đại diện của các đồng minh khác như Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng cộng chiến dịch theo dõi bí mật này đã xâm nhập 38 đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao của EU tại nước ngoài.

Vì vậy, thật khó mà khiến Châu Âu có thể bình tâm trước hành động bị xem là "chơi xấu" với bạn bè của Mỹ. Tổng thống Pháp Francois Hollande gọi đây là việc làm không thể chấp nhận được trong quan hệ giữa các đối tác và đồng minh. Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz cho rằng việc Mỹ theo dõi những "chiến hữu" thân thiết như EU là việc làm vượt quá giới hạn cho phép, có thể tác động nặng nề đến quan hệ EU - Mỹ. Chính phủ Đức cũng khẳng định Mỹ đã hành xử giống như thời Chiến tranh lạnh trên cơ sở của sự thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Phải nói rằng, trong khi Mỹ vẫn chưa có được câu trả lời chắc chắn về việc có thể định đoạt số phận của "kẻ phản bội” Snowden hay không thì lại phải tiếp tục đối phó với tiết lộ được xem là tệ hại nhất đối với chính quyền của Tổng thống B.Obama. Dù có thể có được lời giải thích hợp lý đến mức nào thì mối quan

hệ giữa Washington với các đồng minh chiến lược ở Châu Âu vẫn bị gợn sóng. Bên cạnh đó, vụ bê bối được gọi là "bước ngoặt Châu Âu" bùng ra vào thời điểm rất không thích hợp đối với Mỹ. Ít ngày trước, Washington gần như đã thành công khi hướng sự chú ý của toàn thế giới vào sự kiện Snowden. Theo đó, Mỹ đã tự thể hiện việc không chỉ là đối tượng bị thiệt hại vì tiết lộ của "người thổi còi", mà gần như còn thuyết phục được dư luận rằng sự phản bội này sẽ làm suy yếu cuộc đấu tranh chống khủng bố quốc tế. Thế nhưng, giờ đây dường như Washington một lần nữa phải ứng phó với những rắc rối mới trước những bạn hữu thân cận.

Sự việc cũng khiến cộng đồng quốc tế bị nhiễu loạn trước những cáo buộc về một cuộc chiến tranh mạng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng để thu thập thông tin của nhau. Cách đây không lâu, Washington đã có những lời lẽ khá cứng rắn khi cho rằng Trung Quốc và một số nước khác tiến hành các hoạt động xâm nhập vào hệ thống máy tính của nước Mỹ, tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp… gây phương hại tới an ninh nước Mỹ. Tuy nhiên, qua tiết lộ mới nhất, Mỹ có lẽ không dễ bác bỏ việc cũng đã sử dụng các chương trình theo dõi bí mật.

Cho đến nay, "cuộc khủng hoảng" ngoại giao bắt nguồn từ những thông tin của cựu chuyên gia CIA Snowden vẫn không ngừng mở rộng. Chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ giải thích vụ việc qua các kênh ngoại giao, đồng thời Tổng thống B.Obama đang nỗ lực bào chữa khi tuyên bố tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới, trong đó có cả EU, thường tìm kiếm thêm thông tin chi tiết ngoài những gì vẫn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Nhưng chắc chắn EU cần nhiều hơn thế. Dư luận hai bờ Đại Tây Dương lo ngại nếu không được giải quyết một cách thấu đáo, "nạn nhân" đầu tiên của vụ bê bối rất có thể sẽ là sự đình đốn của dự án Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU - Mỹ mà cả hai phía đều đang đặt rất nhiều kỳ vọng.

Thùy Dương/HNMO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn