Mỹ cảnh báo tranh chấp trên biển

Cập nhật ngày: 30/08/2013 09:35:05

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng, các hành động trên biển nhằm thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của các bên sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu, gây bất ổn khu vực, đồng thời hạn chế triển vọng ngoại giao.


Các Bộ trưởng Quốc phòng thống nhất mở các đường dây thông tin liên lạc để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, nhất là trên biển. Ảnh: AFP

Cảnh báo của người đứng đầu Lầu Năm Góc Chuck Hagel được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) ở Brunei ngày 29-8. Ông Hagel có mặt ở Brunei, mang theo thông điệp mạnh mẽ: Mỹ quyết tâm thúc đẩy chiến lược “xoay trục” tại châu Á, mặc dù trong lúc này căng thẳng giữa một số nước châu Á với Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển vẫn chưa được giải quyết.

Hãng AFP dẫn lời ông Hagel nhấn mạnh: Căng thẳng ở các vùng biển tranh chấp giữa các nước châu Á làm gia tăng nguy cơ một cuộc đối đầu quốc tế nguy hiểm. “Các hành động của một quốc gia nhằm khẳng định chủ quyền trên biển không giúp chứng minh chủ quyền, thay vào đó, làm tăng nguy cơ đối đầu, đe dọa sự ổn định khu vực và hạn chế triển vọng ngoại giao”, ông Hagel nói.

Tại Hội nghị ADMM và ADMM+ kéo dài 2 ngày (ngày 28 và 29-8), tranh chấp chủ quyền trên biển trở thành một trong những nội dung trọng tâm khi các Bộ trưởng thảo luận về quốc phòng và an ninh khu vực. Ngoài các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nga, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng tham dự hội nghị này.

Liên quan vấn đề tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc đã và đang đối mặt với các cáo buộc cường quốc này dùng chiến thuật “bắt nạt” khi Bắc Kinh tuyên bố sở hữu gần hết khu vực Biển Đông chiến lược. Tại vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản cũng tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku với các hành động mà giới phân tích gọi là trò “mèo vờn chuột”. Căng thẳng càng gia tăng khi Tokyo quốc hữu hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp. Vì vậy, theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, tất cả các nước đều quan ngại rằng, tranh chấp chủ quyền có thể làm kích động một cuộc xung đột.

Một số Bộ trưởng của khối 10 nước ASEAN đã đề xuất những bước đi thiết thực nhằm xây dựng lòng tin, chẳng hạn như mở các đường dây thông tin liên lạc để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, đặc biệt trên biển; hay thỏa thuận không dùng vũ lực...

Theo AFP, nỗ lực ngoại giao chính là kêu gọi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), vốn được cho là cần thiết để kiểm soát tình hình, ngăn chặn xung đột. Mỹ ủng hộ ý tưởng này nhưng Trung Quốc tỏ ra không mặn mà mặc dù trong năm nay, Bắc Kinh đã cam kết sẽ tổ chức đối thoại với ASEAN trong tương lai. ASEAN muốn có sự tham vấn của các bên và giải quyết tranh chấp bằng các đàm phán đa phương. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ muốn giải quyết song phương, tức chỉ giữa cường quốc châu Á này với các nước liên quan.

Điều đáng lưu ý ở đây là trong suốt chuyến công du châu Á kéo dài một tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel nói rằng, bất đồng về lãnh thổ nên được giải quyết hòa bình mà không bị ép buộc, nhưng không hề chỉ trích trực tiếp Trung Quốc. Ông Hagel đã gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn bên lề hội nghị ở Brunei vào ngày 28-8.

Từ 29-8 đến 30-8, ông Hagel hiện diện ở thủ đô Manila của Philippines trong lúc Nhà Trắng muốn gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này. Manila cũng là chặng dừng chân cuối cùng của ông Hagel trong chuyến công du.

PHÚC NGUYÊN/TĐNO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn