Bệnh bạch hầu và cách phòng ngừa

Cập nhật ngày: 25/07/2016 10:18:11

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu, tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae. Bạch hầu tiếng Anh là diphtheria, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là diphtherà, có nghĩa là “miếng da động vật” do bệnh thường đặc trưng bằng một lớp màng giả (pseudomembrane) trong họng hầu hay trong mũi, trên da.

Triệu chứng lâm sàng

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 - 5 ngày (thay đổi từ 1 - 10 ngày). Hầu như tất cả các tổ chức niêm mạc đều có thể biểu hiện bệnh thường được phân chia thành các thể tùy theo vị trí biểu hiện.

Bạch hầu mũi trước, thường khó phân biệt với các bệnh lý viêm mũi họng cấp khác trên lâm sàng. Bệnh cũng biểu hiện bằng xuất tiết mủ-nhầy (chất xuất tiết chứa cả mủ lẫn dịch tiết niêm mạc), đôi khi có lẫn máu. Thường sẽ phát hiện được một màng trắng ở vách ngăn mũi nếu thăm khám cẩn thận. Thể bệnh này thường tương đối nhẹ vì độc tố ở vị trí này ít được hấp thu vào máu, điều trị nhanh chóng bằng kháng sinh và kháng độc tố.

Bạch hầu họng và hạnh nhân, là thể bệnh thường gặp nhất của bạch hầu. Nhiễm trùng tại vị trí này thường kèm theo sự hấp thu độc tố vào máu rất nhiều. Khởi phát viêm họng thường âm ỉ. Bệnh có thể biểu hiện sớm bằng các dấu hiệu như mệt mỏi toàn thân, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2 - 3 ngày, một lớp màng màu trắng xanh xuất hiện và lan rộng dần. Màng giả có thể chỉ khu trú ở khu vực hạnh nhân (tên gọi thông thường là A-mi-đan) hoặc có thể lan rộng bao phủ cả màn hầu. Thường khi bệnh nhân đến với thầy thuốc thì lớp màng giả này đã chuyển sang màu xanh xám hoặc màu đen nếu có chảy máu. Chu vi của lớp màng giả này chỉ có biểu hiện sưng nề nhẹ. Nếu cố gắng bóc lớp màng này ra thì dễ dàng gây chảy máu. Nếu màng giả lan rộng có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp. Bệnh nhân có thể lành bệnh nhưng nếu độc tố được hấp thu với lượng nhiều thì có thể có những biểu hiện nhiễm độc như: phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê và có thể tử vong trong vòng 6 - 10 ngày. Sốt thường không cao, mặc dù bệnh nhân biểu hiện nhiễm độc cực kỳ nặng nề. Bệnh nhân mắc bệnh nặng có thể biểu hiện phù nề vùng dưới hàm và sưng các hạch bạch huyết vùng cổ tạo nên một dấu hiệu lâm sàng rất đặc trưng gọi là dấu hiệu bạnh cổ bò (bullneck).

Bạch hầu thanh quản, có thể do bạch hầu họng lan xuống nhưng cũng có thể do bệnh tại chỗ. Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và cực kỳ nguy hiểm. Dấu hiệu lâm sàng gồm: sốt, khàn giọng, ho ông ổng. Do thanh quản là nơi hẹp nhất của đường thở nên nếu màng giả mạch hầu phát triển ở đây, nguy cơ gây tắt nghẽn đường thở rất nhanh đưa đến hôn mê và tử vong.

Bạch hầu da, thường gặp ở những vùng nhiệt đới có thể do nơi đây tỉ lệ bệnh lưu hành cao hơn và nhiều người có miễn dịch tự nhiên với bệnh. Đây là một thể bệnh nhẹ và chúng gây bệnh thường không sinh độc tố. Biểu hiện có thể dưới hình thức một ban da bong vảy hoặc một vết mạn tính có bờ rõ. Ngoài các vị trí trên, bạch hầu ở các vị trí khác có thể gặp là kết mạc mắt, niêm mạc vùng âm hộ - âm đạo hoặc lỗ tai ngoài.

Biến chứng của bệnh

Tất cả các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Mức độ trầm trọng của bệnh và biến chứng thường tương quan với mức độ lan tỏa của tổn thương tại chỗ. Độc tố tại vị trí tổn thương ban đầu này được hấp thu vào máu và gây nên biến chứng ở các cơ quan xa. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Ngoài ra, còn có các biến chứng khác có thể xảy ra như: viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắt nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.

Tử vong: khoảng 5 - 10%, có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Tỉ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dường như không thay đổi trong 50 năm qua. Tính đến nay đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu cấp tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi và ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trước đây bệnh bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng từ khi vacxin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vacxin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vacxin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vacxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân sống trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vacxin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vacxin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng: mũi thứ 1, tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2, sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3, sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi thứ 4, khi trẻ 18 tháng tuổi.

Cẩm Lụa/TTTT-GDSK

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn