Chăm sóc người nhiễm sốt xuất huyết tại nhà

Cập nhật ngày: 16/06/2022 09:46:54

Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) đang tăng nhanh trong cộng đồng. Theo số liệu báo cáo từ Khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chỉ trong tuần 22 (từ ngày 30/5 - 5/5/2022) toàn tỉnh ghi nhận 210 ca mắc SXH, trong đó có 9 ca ở thể nặng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay đã có 1.640 trường hợp mắc SXH, tăng 195,49% (1.085ca) so với cùng kỳ năm 2021.


Dấu hiệu hồi phục sau mắc sốt xuất huyết

SXH là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể mắc vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, đặc biệt nhiều nhất vào mùa mưa. Trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi vằn Aedes Aegypti mang vi-rút từ người bệnh truyền sang người lành thông qua vết chích. SXH hiện nay chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu là làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Hầu hết các trường hợp mắc SXH có thể điều trị tại nhà hoặc tại các tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, việc điều trị tại nhà phải được bác sĩ chuyên khoa quyết định sau khi khám, xét nghiệm và tư vấn điều trị, theo dõi, chăm sóc người bệnh ngoại trú cho bệnh nhân và thân nhân hiểu rõ.

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc người mắc sốt xuất huyết tại nhà

- Đảm bảo người bệnh được nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng tâm lý lo âu quá mức.

- Cho bệnh nhân uống thật nhiều nước: ở giai đoạn đầu của SXH cơ thể bệnh nhân bị mất nước dẫn đến mệt mỏi, cần cho bệnh nhân uống nhiều nước như: nước đun sôi để nguội, nước ép trái cây (cam, chanh, nước dừa...), oresol, hydrite, hoặc nước cháo loãng... để tăng cường chất điện giải cho cơ thể.

- Mắc màn ở khu vực nghỉ ngơi, giường ngủ của người bệnh, xịt côn trùng chống muỗi để phòng tránh lây bệnh sang cho người lành.

- Theo dõi nhiệt độ của người bệnh, khi thấy sốt cần lau người bằng nước ấm, tuyệt đối không tắm gội, lau người bệnh bằng nước lạnh vì sẽ làm co mạch ngoài da và mạch nội tạng giãn ra rất nguy hiểm.

- Nhận biết sớm các triệu chứng SXH thể nặng, hãy đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức khi xuất hiện các triệu chứng trở nặng sau:

+ Giảm thân nhiệt mạnh

+ Đau bụng dữ dội

+ Nôn mửa liên tục

+ Chảy máu lợi

+ Nôn ra máu

+ Thở gấp

+ Mệt mỏi, chán chường

+ Đau đầu chóng mặt

Chế dộ dinh dưỡng

Nên: ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng như: cháo loãng, bột, sữa... mỗi lần ăn một ít, ăn nhiều buổi trong ngày, uống nhiều nước.

Không nên: ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có gas. Đặc biệt, các loại thức ăn hay nước uống có màu nâu hoặc đỏ sẫm như huyết (heo, bò, gà...), củ dền, dưa hấu... vì dễ gây nhầm với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa.

 Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi, giữ vệ sinh sạch sẽ; thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.

Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn