Chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh mùa nắng nóng

Cập nhật ngày: 15/04/2024 13:49:09

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240415015045dt2-7.mp3

 

ĐTO - Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nắng nóng kéo dài làm tăng nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Chuyên khoa II (BSCKII) Huỳnh Hồng Phúc - Trưởng khoa Hồi sức Nhi - Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp) nhằm cung cấp thông tin hữu ích giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.


Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Hồng Phúc

PV: Những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh phổ biến là nắng nóng, nền nhiệt độ cao. Với điều kiện thời tiết như vậy thì người dân cần lưu ý các bệnh lý gì thường gặp, thưa bác sĩ?

Bác sĩ CKII Huỳnh Hồng Phúc: Thời tiết nắng nóng nhiều và kéo dài những ngày qua làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm (hoặc các bệnh về hệ tiêu hóa), mắc bệnh hô hấp, nhiễm siêu vi, bệnh về da và ảnh hưởng nhiều đến những người có bệnh lý về tim mạch.

Nhiệt độ môi trường tăng cao khiến cho các vi sinh vật gây hại dễ dàng phát triển, do đó, bảo quản thực phẩm không đúng cách rất dễ gây ngộ độc tiêu hóa khi sử dụng. Thời điểm này còn là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý truyền nhiễm do siêu vi như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu, viêm não Nhật Bản gia tăng.

Ngoài ra, người dân có thể dễ bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản cấp và nặng hơn là viêm phổi. Đồng thời lưu ý, nắng nóng tạo ra mỏi mệt, tăng hoặc giảm huyết áp và mất cân bằng điện giải ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tim mạch, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim, trụy tim mạch hoặc đột quỵ...

PV: Bác sĩ đánh giá thế nào về mức độ nguy hiểm của các bệnh lý vừa nêu và phương pháp điều trị hiệu quả?

Bác sĩ CKII Huỳnh Hồng Phúc: Trong các loại bệnh lý vừa nêu, các bệnh về đường hô hấp và hệ tiêu hóa có nguy cơ mắc cao nhất trong thời điểm hiện nay. Theo số liệu thống kê tại Khoa khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2024 cho thấy, lượng bệnh nhân khám bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, hệ tiêu hóa đều tăng, nhất là ở trẻ em. Cụ thể, các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp trẻ em tăng 20% số ca, bệnh nhiễm trùng đường ruột tăng 40%.

Phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn đối với người bệnh là xác định nguyên nhân, tuân thủ nguyên tắc điều trị cho từng bệnh. Tránh lạm dụng kháng sinh và các thuốc điều trị triệu chứng không cần thiết, dùng thuốc hợp lý, an toàn; tuân thủ lịch tái khám theo yêu cầu của bác sĩ và chủ động khám lại ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường...

PV: Hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình khi phát hiện bệnh thì tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với những trường hợp này?

Bác sĩ CKII Huỳnh Hồng Phúc: Điều trị bệnh là điều trị nguyên nhân gây bệnh, chỉ điều trị triệu chứng khi thật sự cần thiết. Ví dụ, ho là triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh như: cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, lao, suy tim... Khi bệnh nhân bị ho, bác sĩ cần khám để tìm nguyên nhân và đưa ra biện pháp điều trị. Chẩn đoán đúng, điều trị đúng bệnh sẽ mang lại hiệu quả và an toàn cho người bệnh trước mắt cũng như lâu dài. Khi đến khám tại các cơ sở y tế, người bệnh còn được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi tại nhà, điều này rất quan trọng, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Nhà thuốc Tây là nơi bán thuốc theo toa của bác sĩ và các thuốc thông thường theo quy định, không phải là cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện nay, còn nhiều người bệnh, thân nhân người bệnh tự đến Nhà thuốc Tây mua thuốc điều trị. Thực trạng này có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nhất là sự đề kháng kháng sinh do dùng kháng sinh bừa bãi, chưa được kiểm soát. Thậm chí, nhiều trường hợp dùng thuốc không theo toa của bác sĩ, có thể gây tử vong cho người bệnh...

PV: Để chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh trong mùa nắng nóng, ngành y tế có những khuyến cáo gì đối với người dân, thưa bác sĩ?

Bác sĩ CKII Huỳnh Hồng Phúc: Nắng nóng và kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, do đó, phòng bệnh chủ động là giải pháp quan trọng mà mỗi người dân cần phải làm cho bản thân và gia đình. Tránh nóng phù hợp bằng cách hạn chế ra ngoài lúc trời nóng hoặc khi cần thiết ra ngoài cần sử dụng phụ kiện che nắng để bảo vệ da, mắt. Cài đặt nhiệt độ phòng có máy lạnh không chênh lệch nhiều so với bên ngoài, thường không quá 50C; hạn chế ra vào phòng lạnh thường xuyên hoặc ở quá lâu trong phòng lạnh.

Người lớn uống đủ lượng nước mỗi ngày khoảng 2 - 2,5 lít, trẻ em dựa vào cân nặng để tính lượng nước. Nếu uống đủ nước thì khoảng mỗi 3 - 4 giờ sẽ tiểu 1 lần, nước tiểu có màu vàng nhạt. Nước uống là nước đun sôi để nguội, nước dừa, nước trái cây tươi, hạn chế dùng nước ngọt có gas, nước có đường. Người có bệnh lý tim mạch cần thường xuyên kiểm soát bệnh bằng cách sử dụng đầy đủ các thuốc theo toa của bác sĩ nhằm giảm nguy cơ do thời tiết nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Ngoài ra, mỗi người nên chú trọng bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng thông qua việc ăn đủ chất, thêm nhiều trái cây và rau. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chọn mua thực phẩm, chế biến và bảo quản. Thường xuyên vận động thể thao phù hợp, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh hiệu quả...

PV: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

P.LỘC (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn