Có thể phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết bằng những việc làm đơn giản hàng ngày

Cập nhật ngày: 23/07/2022 06:20:04

ĐTO - Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại Đồng Tháp vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. SXH là bệnh có thể gây nguy hiểm và tử vong nếu chúng ta không phát hiện, xử lý kịp thời, nhưng có thể phòng ngừa được bằng những việc làm đơn giản hàng ngày.


Đoàn giám sát Bộ Y tế cùng lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát thực địa phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút, sau đó, truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh SXH chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

BS.CK2 Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 4.723 ca bệnh SXH (trong đó có 7 ca tử vong), tăng 537,38% so với cùng kỳ năm 2021. Để khống chế dịch, từ ngày 28/6 - 8/7/2022, tỉnh đã triển khai 2 chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH tại 12 huyện, thành phố. Mặc dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp với nhiều hoạt động phòng, chống SXH, nhưng dịch bệnh SXH vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Tại Đồng Tháp, SXH là bệnh lưu hành quanh năm và luôn là mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng trong nhiều năm qua. Riêng năm nay, không chỉ số ca bệnh SXH tăng cao mà số ca bệnh nặng do SXH cũng tăng cao, toàn tỉnh đã ghi nhận 159 trường hợp nặng. Tình hình này đáng lo ngại, đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục khẩn trương và tập trung hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả dịch SXH, hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến sức khỏe của người dân cũng như đời sống xã hội.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, mọi người dân, mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Thanh Hùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn