Gia đình và xã hội cần quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Cập nhật ngày: 22/12/2014 13:34:06

Theo truyền thống, người phụ nữ phải chịu trách nhiệm chăm sóc người già, nhưng phụ nữ yếu đuối, lại phải lo cho gia đình hoặc đi làm việc như nam giới, do đó theo quan niệm hiện nay, cả hai giới đều phải có trách nhiệm chăm lo cho các thành viên trong gia đình. Trong đó, việc chăm sóc người già cần được quan tâm, nếu không, trong thời gian dài, sức khỏe của họ bị sa sút, đau ốm, ảnh hưởng đến bản thân người già và chất lượng sống của mọi thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, xã hội và nhà nước cũng phải quan tâm và cần có chính sách thỏa đáng đến việc chăm sóc người cao tuổi.

Dinh dưỡng và ăn uống ở người cao tuổi

Dinh dưỡng của người cao tuổi phụ thuộc vào thể lực, tâm lí và xã hội. Các chức năng chuyển hóa, đào thải giảm dần và rối loạn từ sau 50 tuổi. Do đó, nếu ăn uống không tốt, không hợp lí sẽ dễ mắc bệnh: đái tháo đường do ăn nhiều chất bột, đường...; xơ vữa động mạch do ăn nhiều mỡ, da, phủ tạng động vật; thống phong do ăn nhiều đạm động vật, uống nhiều bia, rượu.

Chế độ dinh dưỡng phải cân đối với khẩu phần ăn trong ngày gồm thịt: 200-250g (có thể thay bằng trứng, cá), dầu thực vật 30g, gạo 300g, rau, củ, đậu, hạt, trái cây, uống nhiều nước (1,5-2 lít), giảm thức ăn mặn, muối... Mỗi ngày cần bổ sung 800-1000mg can xi trong thuốc, canh xương hầm, sữa, yaourt...

Ngoài ra, bữa ăn hợp lý cần thay đổi món, tránh nhàm chán, chế biến hợp khẩu vị (không quá chua, cay), đúng giờ. Thức ăn nóng, mềm, nhỏ vừa miếng, có canh...

Người già cần ăn chậm, nhai kỹ, kiểm tra xương. Trong bữa ăn tránh ồn ào, tránh bàn cãi, tranh luận, cần vui vẻ, thoải mái vì đây là thời gian sum họp con, cháu...

Rượu, thuốc lá là yếu tố nguy cơ cho nhiều loại bệnh ở người cao tuổi (cũng như người trẻ) như viêm phế quản, phổi, lao, ung thư...

Tập thói quen đi tiêu mỗi ngày hay cách ngày, không để bị táo bón, nguy cơ mắc bệnh trĩ, ung thư đại, trực tràng... (ăn nhiều rau cải, uống nhiều nước, xoa bụng thường xuyên...)

Lưu ý trong sử dụng thuốc ở người cao tuổi

Sự thay đổi sinh lý cơ thể làm thay đổi tác dụng của thuốc mà cả thầy thuốc và người lớn tuổi cần phải biết:

Chức năng gan, thận suy giảm cho sự chuyển hóa và đào thải thuốc ở người già chậm, dễ gây ngộ độc.

Cơ thể ở người già nhiều mỡ, ít nước. Nếu dùng thuốc tan trong nước thì phạm vi phân bổ thuốc ít hơn, nồng độ thuốc cao hơn, làm tác dụng thuốc nhanh hơn. Trái lại, nếu dùng thuốc tan trong mỡ thì phạm vi phân bổ rộng hơn, lưu lại lâu hơn, thời gian phân hủy chậm hơn, dễ gây ngộ độc. Vì thế, người già phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc.

Phải dùng thuốc theo toa bác sĩ, xem kỹ hướng dẫn trong hộp thuốc, không nên tự dùng hay theo lời mách bảo, cẩn thận khi dùng toa thuốc cũ.

Liều dùng cho người già thì thường chỉ bằng ½ liều của trẻ, trừ trường hợp cần thiết, dùng càng ít thuốc càng tốt theo đường sử dụng đơn giản, an toàn nhất, như xoa bóp, thuốc dán ngoài da, châm cứu, bấm huyệt, dùng thuốc y học cổ truyền hay dược thảo... Thời gian dùng thuốc phải đúng, cũng như thời điểm dùng. Cần phòng tránh tác dụng không mong muốn như thuốc chữa đau nhức xương khớp có thể gây viêm, loét dạ dày, đau gan, tăng huyết áp, phù thũng, mục xương...

TTTTGDSK

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn