Phát hiện sớm điều trị hiệu quả bệnh glocom

Cập nhật ngày: 06/04/2023 05:08:31

ĐTO - Bệnh glocom là tình trạng dây thần kinh thị ở đáy mắt bị tổn thương khi nhãn áp tăng quá cao do thủy dịch không được lưu thông, ứ động trong mắt. Đây là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến, chỉ đứng sau đục thủy tinh thể. Trên thế giới hiện nay có khoảng 60 triệu người bị giảm thị lực do glocom, trong đó 5 triệu người đã bị mù vĩnh viễn.

Bệnh gồm nhiều thể khác nhau, do nhiều nguyên nhân khác nhau cho nên biểu hiện của bệnh cũng đa dạng tùy thuộc vào từng dạng, chủ yếu ở 2 dạng sau:

Glocom nguyên phát

Glocom góc đóng nguyên phát: là một tình trạng rối loạn về giải phẫu do mống mắt ngoại vi áp ra trước che lấp vùng bè và gây nghẽn góc tiền phòng.

Bệnh xảy ra đột ngột, diễn biến rầm rộ, thường xảy ra vào chiều tối, sau một xúc động mạnh, bệnh nhân đột ngột đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, sợ ánh sáng, chói chảy nước mắt kèm theo, bệnh nhân có thể buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, sốt... thị lực giảm sút nhiều.

Glocom góc mở nguyên phát: là một tình trạng bệnh lý của thị thần kinh, tiến triển mãn tính, đặc trưng bởi sự tổn hại của tế bào hạch võng mạc và lớp sợi thần kinh, teo lõm đĩa thị giác, tổn thương thị trường điển hình, thường có liên quan với nhãn áp cao.

Các triệu chứng thường biểu hiện rất kín đáo trừ trường hợp có tổn thương nặng trên thị trường. Vì vậy, khó tự phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm. Nhiều người bệnh chỉ được phát hiện trong những hoàn cảnh tình cờ.

Đa số người bệnh chỉ có cảm giác hơi căng tức mắt hoặc nhìn mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc bằng mắt nhiều, khi căng thẳng thần kinh, khi lo lắng nhiều.

Có những người bệnh nhìn như có màn sương mỏng trước mắt vào buổi sáng. Thị lực thường chỉ giảm ở giai đoạn muộn của bệnh.

Glocom thứ phát: xảy ra sau những bất thường ở mắt và toàn thân như do viêm màng bồ đào, do chấn thương, bệnh lý thể thủy tinh...

Đối tượng dễ mắc bệnh glocom

Glocom là bệnh không phân biệt lứa tuổi hay chủng tộc. Tuy nhiên, một số nhóm có nguy cơ mắc cao cần kiểm tra thường xuyên để phát hiện giai đoạn sớm của bệnh: người trên 40 tuổi; người có bệnh mãn tính như tiểu đường hay tăng huyết áp; người trong gia đình có tiền căn mắc bệnh glocom; người bị viễn thị, giác mạc (tròng đen) nhỏ; người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid đường toàn thân hoặc tra mắt trong thời gian dài, cận thị nặng, viêm màng bồ đào, giác mạc mỏng... có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt...

Những tổn thương thần kinh thị giác do bệnh glocom gây ra là không có khả năng hồi phục. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Bên cạnh đó để phòng ngừa và ngăn chặn glocom tiến triển, ngoài việc cần thường xuyên kiểm tra định kì, người bệnh cũng cần xây dựng một lối sống khoa học, đặc biệt là cần chú ý một số vấn đề sau: hạn chế dùng điện thoại, máy tính nhiều giờ liên tục; đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài nắng; tránh thuốc lá, cà phê, rượu, bia... tránh căng thẳng, không thức khuya; kê cao đầu khi ngủ (cao góc khoảng 45 độ) để giảm áp lực cho dây thần kinh thị giác và võng mạc mắt.

Đồng thời, dinh dưỡng hợp lý, tăng cường ăn rau củ quả có màu đỏ, cam, vàng, xanh đậm; uống nhiều nước chia thành nhiều lần trong ngày; có chế độ tập luyện thể dục phù hợp, nhẹ nhàng để tăng cường lưu thông máu nuôi đưỡng mắt.

Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn