Câu chuyện “đắp nền”

Cập nhật ngày: 18/05/2018 10:23:16

http://baodongthap.com.vn/database/video/20180518023520cau chuyen dap nen.mp3

Xứ mình là vùng đất ngập sâu, có chỗ lên tới 4 - 5m. Đã ngập sâu mà nền đất lại còn yếu nên mỗi lần xây dựng đường sá dễ bị lún sụt, cho nên, công tác “đắp nền” cực kỳ quan trọng! Thì đó, vừa mới nghiệm thu con đường xong với mặt thảm nhựa hoành tráng lắm, phẳng phiu lắm, được một thời gian là xuất hiện nào là “ổ gà”, nào là “ổ trâu”. Mỗi lần đi ngang những “cái ổ” như vậy thì có người phán liền: Rồi, làm cái “nền hạ” không đủ yêu cầu chất lượng rồi! Thậm chí, có người còn suy tư: Hổng chừng, công trình bị rút ruột rồi đây, lu lèn ẩu tả rồi đây... !?!

Từ câu chuyện “đắp nền” trong xây dựng kết cấu hạ tầng mới liên tưởng đến câu chuyện “đắp nền” khác. Đó là, “đắp nền” cho sự phát triển!

Quê mình xuất phát điểm thấp, vừa thuần nông lại thuần lúa. Quê mình đã qua hết cuộc chiến tranh này lại đến cuộc chiến tranh khác để hôm nay có được hòa bình. Quê mình đã chinh phục thiên nhiên hoang sơ, khắc nghiệt, để đến hôm nay, là một trong những vùng đất tạo nên kỳ tích trong nông nghiệp. Quê mình một thời bị “lời nguyền” là một địa phương “khuất nẻo” đó! Những điều đó trở thành điểm bất lợi, là điểm yếu trong cuộc chạy đua đến điểm đích: sự giàu có và thịnh vượng.

Nhưng rồi quê mình dần vượt qua lời nguyền “khuất nẻo” nhờ vào khát vọng của gần một triệu bảy con người cần mẫn. Nhiều sáng kiến từ nhân dân, sự năng động của cả hệ thống chính trị, một lớp trẻ khởi nghiệp được gần xa biết đến, có những mô hình đổi mới đã lan tỏa ra nhiều địa phương khác. Đó là “cái nền” được bồi đắp, gia cố từ những bậc tiền nhân đến những thế hệ lãnh đạo nối tiếp theo sau. Trong bộn bề công việc để vượt lên chính mình, những tiềm năng được kích hoạt, hiện thực hóa để khai thác, để thu hút nguồn lực, thì phải chuẩn bị “cái nền” cho vững chắc, nếu không muốn một ngày đó sụp xuống “ổ gà” do chính mình tạo ra.

“Cái nền” đó chính là sự năng động của một hệ thống chính trị biết linh hoạt và thích ứng với sự thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Một bộ máy luôn lấy sự “đổi mới sáng tạo” thay cho “mô phỏng, sao chép”, bớt đi sự giáo điều. Một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chấp nhận “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, mà thật mẫn cán, lấy sự hài lòng của xã hội làm niềm tự hào về công việc của mình. “Cái nền” đó chính là một đội ngũ cán bộ không nghĩ đến sự “chen lấn” để có được “chức này, ghế kia”, mà luôn tự hỏi năng lực của mình có tương xứng với vị trí đó chưa? Nếu chưa thì phải có kế hoạch học tập, trau dồi như thế nào?

“Cái nền” đó có được khi đội ngũ lãnh đạo không tự “đông cứng” mình, mà thường xuyên bước ra ngoài công sở để truyền cảm hứng cho xã hội và nhận lấy cảm hứng từ xã hội. Mỗi người lãnh đạo phải tràn đầy nhiệt huyết đối với công việc, học nhiều, đọc nhiều để trang bị cho mình tư duy hệ thống, biết kết hợp vốn văn hóa, vốn xã hội, với vốn kinh tế, tạo ra sức mạnh cộng hưởng cho sự phát triển của địa phương và sự thành công trong mỗi con người. “Cái nền” đó phải được vun đắp từ thế hệ hôm nay dành cho thế hệ ngày mai, nhìn những người trẻ bằng tấm lòng rộng mở, trân quý.

“Cái nền” đó chính là khát vọng của từng con người Đất Sen hồng với hơn triệu người dân đủ mọi giai tầng, trải khắp từ đô thị đến nông thôn. “Cái nền” đó là một xã hội mênh mông luôn được kích hoạt để những ý tưởng tuôn trào như dòng suối tươi mát. Những con người trên mảnh đất thân yêu này vừa làm vì hôm nay, lại vừa cùng chung tay xây đắp “cái nền” cho các thế hệ con cháu ngày mai. Một đội ngũ doanh nhân sản xuất, kinh doanh không chỉ đơn thuần là lợi nhuận, mà còn vì cái gì đó nhân văn hơn, cao cả hơn. Một thế hệ trẻ mạnh mẽ dám “băng đồng ra thế giới”, đi để tìm kiếm tri thức để trở về làm chủ quê hương. Một đội ngũ nông dân thông minh giàu tri thức, biết “chăm chỉ - tự lực - hợp tác”, cùng nhau tạo dựng môi trường nông thôn hài hoà, nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. “Cái nền” đó là mỗi người dám đặt ra thách thức cho mình thay vì than vãn, ngán ngại hay tìm cách biện minh cho sự trì trệ...

“Cái nền” đó sẽ là những mối quan hệ giữa người với người đậm chất nhân văn. “Cái nền” đó có được phải từ tất cả những người luôn tự nhủ rằng: “Tôi, người Đồng Tháp, sẽ nỗ lực làm việc và cống hiến vì Đồng Tháp, sẽ cùng chung tay giữ gìn màu sen hồng mãi thắm tươi trên mảnh đất thân yêu này”!

Nhân Ngày 19/5, nhớ lại mấy vần thơ cũng có chữ “nền” của Bác:

“Gốc có vững, cây mới bền,

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân!”

Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì mỗi người hãy cùng nhau “vun gốc”, “đắp nền” cho hôm nay và cho mai sau!

Lê Minh Hoan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn