Câu chuyện “hàng rào”

Cập nhật ngày: 29/01/2020 12:14:49

Như vậy, những ngày đầu tiên của năm mới đã đến! Một vòng quay mới lại bắt đầu. Người xưa có tục lệ rất hay: "Khai bút đại cát" vào dịp đầu năm mới. Khai bút để chúc cho mọi chuyện tốt lành trong năm mới, khai bút để đề cao câu chuyện chữ nghĩa, đề cao sự học. Khai bút để "khai trí" và "khai tâm", để mở lòng và trải lòng. Xin được tản mạn về "hàng rào" như để mở đầu câu chuyện khai bút đầu năm 2020 này…


Du khách tham quan làng hoa Sa Đéc. Ảnh minh họa

Nhớ những câu thơ của Nguyễn Bính, nhà thơ của làng quê: "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi. Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn... Giá đừng có giậu mồng tơi. Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng...". Làng quê mình ngày xưa là vậy, yên bình lắm, thơ mộng lắm, chỉ có "cái giậu mồng tơi" xanh mởn, nhẹ nhàng, để phân biệt một cách khá ước lệ không gian sống giữa nhà này với nhà kia. Vậy mà, có người vẫn ước mơ "Giá đừng có giậu mồng tơi "để người lui tới với người, chòm xóm sống xúm xít với nhau, hoà quyện bên nhau hơn…

Bây giờ xã hội phát triển. "giậu mồng tơi" thiên nhiên ngày nào đã dần được thay thế bằng những hàng rào gỗ, hàng rào sắt, hàng rào bê tông rồi. Thậm chí, người ta còn làm những mũi tên nhọn, lưới kẽm gai, gắn miểng chai trên thành hàng rào... cho an toàn hơn, thậm chí còn để chứng tỏ đẳng cấp chủ nhà. Vậy là, đôi khi nhà cạnh nhau nhưng chuyện lui tới với nhau thưa vắng dần. "Đèn nhà ai nấy sáng" thay cho "Tối lửa tắt đèn có nhau"! Và rồi, có khi bắt đầu xích mích từ những hàng rào như vậy. Con heo, con chó, con gà nhà này chui sang phóng uế hoặc ủi giàn rau, liếp hành nhà kia, là sinh chuyện. Nhà này ồn ào một chút cũng có thể làm nhà kế bên khó chịu. Và rồi, "hòn bấc ném đi, hòn chì đáp lại". Xóm làng ngăn cách, thân quen dần trở nên xa lạ…

Nói lòng vòng câu chuyện "giậu mồng tơi" và "hàng rào" là để nói chuyện vui buồn lẫn lộn những ngày giáp Tết. Đi thăm mấy hộ làm du lịch, điểm tham quan ở làng hoa nghe nhiều chủ nhân phấn khởi "khoe": "Giờ tụi tui đã thuyết phục được những hộ bên cạnh cùng làm du lịch cho khách tham quan rồi. Hộ liền kề với nhà tui nhau đồng thuận mở luôn hàng rào để khách có thể trải rộng tầm nhìn, bước qua ngắm và chụp ảnh lưu niệm. Muốn vậy, mình phải biết thuyết phục và nhất là phải chia sẻ lợi ích với nhau, tui được cái này thì anh được cái kia"! Dỡ bỏ cái hàng rào hay mở của thông qua lại, đơn giản vậy thôi mà là cả hành trình thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con mình đó!

"Giậu mồng tơi" hay "hàng rào" là những vật "rào rắp" hữu hình, nhưng còn những "rào rắp" vô hình trong suy nghĩ và cách sống của mỗi người. Chính vì những "rào rắp" như vậy, lòng người càng xa cách nhau, ở gần bên nhau nhưng tưởng chừng xa xôi lắm. "Yêu nhau xa mấy cũng gần. Ghét nhau cách một bàn chân cũng lìa" là vậy mà! Vì tưởng là xa xôi nên đôi lúc phải "nặng lời" với nhau, "lớn tiếng" với nhau. Vậy là, "mích lòng" rồi, mà "mích lòng" thì làm sao hoà hợp với nhau được, không hoà hợp được thì sao mà hợp tác với nhau, hỗ trợ cho nhau?!?

Thế mới biết, trong mấy lý do để con người phải học: "học để biết", "học để làm", "học để tồn tại", thì "học để chung sống cùng nhau" là cần thiết nhất và cũng là khó khăn nhất. Khó vì cách nghĩ "rào rắp"đã bám víu lâu ngày dai dẳng trong tâm tưởng của mỗi người. Khó vì xung đột lợi ích giữa người này với người kia, có khi cái được của người này là cái mất của người kia. Khó vì sự dèm pha, hẹp hòi, định kiến cũ kỹ của xã hội. Vậy nên, ông bà mình mới gửi gắm vào câu ca dao "Ăn ở sao cho thuận hoà. Đừng tranh hơn thiệt, rày rà không nên"!

Khó là khó vậy nên chỉ một vài tín hiệu bà con mình "dỡ bỏ hàng rào" hay "mở cửa qua lại" trong các khu du lịch, điểm tham quan ở nhiều nơi trên quê hương mình là tín hiệu đáng vui rồi! Hãy đón nhận những tín hiệu đó, nâng giá trị nó lên và làm lan toả nó ra. Anh chủ cơ sở tham quan chỉ những sản phẩm lưu niệm, đặc sản chính hiệu "Made in Đồng Tháp" tự hào nói là sẽ tiếp tục kết nối các sản vật, đồ lưu niệm do quê mình làm ra để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ. Một chủ cơ sở tham quan khác tự hào chỉ lên khẩu hiệu được treo trang trọng: "Phát triển du lịch không chỉ vì mục đích kinh tế, mà còn vì trách nhiệm, vì lòng tự hào với quê hương xứ sở". Ảnh tâm sự: "Tui quyết tâm sẽ làm cho bằng được phương châm này, chỉ tiếc một nổi là còn nhiều người vẫn chưa đồng thuận cao, nếu mọi người suy nghĩ khác đi thì chắc chắn cái làng còn phát triển hơn nữa, mọi người sẽ cùng giàu có hơn nữa"!

Vậy đó, dỡ cái "hàng rào" hữu hình đã khó, dỡ cái "rào rắp" vô hình còn khó khăn hơn nhiều. Nhưng đã có tín hiệu tích cực rồi! Có thể chỉ đơn lẻ vài ba trường hợp thôi, nhưng để làm lan toả được thì cần tới cái tâm, cái tầm của đội ngũ lãnh đạo địa phương. Người lãnh đạo cần nhận ra giá trị tiềm ẩn trong từng việc nhỏ như vậy, và đồng thời cũng biết nhìn những điểm nghẽn từ tư duy "rào rắp"đây đó còn ngay trong bộ máy phục vụ xã hội. Nhìn được như vậy, để bớt đi sự hồ hởi về những con số mà có kế hoạch hành động thiết thực đối với từng cộng đồng dân cư, bắt đầu ở quy mô nhỏ nhất. Hồ hởi quá khi có được thành công có khi là con đường dẫn đến thất bại!

Đừng tự "rào rắp" nhà này với nhà kia! Đừng tự "rào rắp" giữa cá nhân và cộng đồng! Có như vậy, thì con đường phía trước sẽ thênh thang mở rộng để mọi người cùng đến bến bờ thịnh vượng!

Khai bút để khai trí, khai tâm! Đầu năm khai bút với chữ "Dỡ bỏ rào rắp" tặng mọi người, nên không nhỉ?

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn