Câu chuyện hình ảnh địa phương

Cập nhật ngày: 30/11/2017 10:03:10

Vậy là, Đồng Tháp mình đã triển khai Đề án "Tạo dựng hình ảnh địa phương" được hơn hai năm và chúng ta đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Song, với một câu chuyện mà người ta đã làm từ lâu và mất một thời gian dài, trong khi mình mới bắt đầu làm nên không khỏi lúng túng. Đến nay không ít người dường như vẫn chưa thẩm thấu được chiều sâu, thậm chí thấy có gì đó mông lung, hình thức.


Ảnh: T.NG

"Hình ảnh địa phương" gồm những điều hữu hình, có thể nhìn thấy được và những phần vô hình nhưng có thể "cảm nhận" được. Ba màu: hồng - xanh - vàng là bộ nhận diện trên những tài liệu, danh thiếp, đây đó trên những tấm pa nô;... là những thứ hữu hình, là "hình ảnh vật lý", đã trở thành những điều tươi mới, ý nghĩa. Nhiều người đã dần hiểu ra ý nghĩa của ba màu chủ đạo đó là màu của cánh sen, lá sen và nhuỵ sen, thể hiện hình ảnh Đồng Tháp giàu nhiệt huyết, nhân văn, trẻ trung, cởi mở và năng động; là những cánh đồng lúa chín vàng, vụ mùa bội thu; là tương lai tươi sáng.

Hình ảnh bé Sen có nụ cười thân thiện hoá thân thành nông dân, công nhân, doanh nhân, giáo viên, học sinh,... Rồi một ngày, bé Sen lại hiện diện trên Zalo được mọi người tự hào và hoan hỉ đón nhận. Đi dạo một vòng thấy nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đặt tên gắn với hình ảnh địa phương. Nào là, Hương Sen, Sông Sen, Sen Hồng, Sen Việt, Sen Ta, Hương Đồng Tháp,... Nào là, những cửa hàng đặc sản Đồng Tháp, quà lưu niệm, sản phẩm mang hình ảnh sen, sếu,...

Niềm tự hào về quê hương đã lan toả trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cho đến nhà giáo, thầy thuốc, nhà báo, văn nghệ sĩ, công an, lực lượng vũ trang,... Họ đã chuyển niềm tự hào đó thành thái độ làm việc tận tuỵ, trách nhiệm, sáng tạo. Không phải vậy sao Đồng Tháp mình luôn đứng ở tốp đầu của những bảng xếp hạng: năng lực cạnh tranh PCI, hiệu quả điều hành và hành chính công PAPI, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin...?

Thật xúc động khi nghe nhiều doanh nghiệp đánh giá Đồng Tháp năng động không chỉ trong đội ngũ lãnh đạo. Họ cảm nhận điều đó từ các sở, ngành, huyện, thị, nhất là đội ngũ trẻ. Nhiều nhà đầu tư chia sẻ họ tìm đến Đất Sen hồng là từ những câu chuyện mới mẻ. Câu chuyện về Cà phê doanh nghiệp, cả hệ thống gần gũi, chia sẻ với doanh nghiệp. Câu chuyện về Đồng Tháp khởi nghiệp với nhiều thứ hạng cao trong các cuộc thi. Câu chuyện về một lão nông tuổi trên tám mươi khởi nghiệp làm du lịch miệt vườn. Câu chuyện về người nông dân từ trước đến nay chỉ biết trồng hoa nay đã biết làm dịch vụ du lịch. Câu chuyện về một chàng trai trẻ làm nông nghiệp bằng cái tâm. Rồi những câu chuyện về nông dân trồng xoài ở Mỹ Hội, trồng quýt ở Vĩnh Thới, trồng nhãn ở An Hoà biết sản xuất hướng đến hữu cơ để không làm ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng...

Hình ảnh một địa phương còn phải đến từ những cư dân địa phương. Mà như vậy là quê mình thay đổi lắm rồi đó chứ! Này nhé, người nông dân đã bước ra khỏi ngôi nhà để tham gia vào các "Hội quán". Này nhé, đội ngũ doanh nhân liên kết với nhau những lúc khó khăn và chúc mừng nhau khi thành công; để tư vấn cho tỉnh nhà, để dẫn dắt các bạn trẻ khởi nghiệp. Vậy là "tinh thần hợp tác" đã lan toả trong xã hội. Đó chính là một sự thay đổi lớn và trở thành hình ảnh sống động, tươi mới trên quê hương mình. "Tinh thần hợp tác" sẽ biến thành sức mạnh vô hình, thành nguồn lực xã hội to lớn trên con đường phát triển.

Nói là nói vậy, vui là vui vậy, nhưng câu chuyện "tạo dựng hình ảnh địa phương" đâu có "xuôi chèo mát máy" cả đâu. Đâu đó trong hệ thống chưa vào cuộc hoặc chưa biết tận dụng hình ảnh địa phương để tạo ra nguồn cảm hứng cho bộ máy hướng đến sự thay đổi. Đâu đó còn chăm bẳm vào cái hữu hình mà chưa thấy sức mạnh từ những điều vô hình. Người này người nọ nghĩ rằng hình ảnh địa phương là chuyện của ngành du lịch, để làm du lịch, do vậy vẫn còn thờ ơ, đứng ngoài cuộc. Nền nông nghiệp xanh được định vị rất quan trọng trong Đề án chỉ mới bắt đầu, tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu và hoá chất độc hại trong sản xuất là hình ảnh phải được xoá bỏ để có thương hiệu nông sản đủ mạnh.

Viết câu chuyện này khi đang thăm Đảo quốc sư tử. Singapore được xem là một "thành phố trong rừng, rừng trong thành phố", cây xanh khắp đô thị, môi trường trong lành. Ngẫm lại các đô thị của mình hình như đang thiếu một ý tưởng, một hình ảnh để người dân thì tự hào, du khách thì lưu luyến. Thì đó, phía dưới những khẩu hiệu cổ động "Thành phố xanh - sạch - đẹp" còn nhiều hình ảnh trái ngược: tiêu tiểu tuỳ tiện, vỉa hè lượm thượm, hàng ăn mất vệ sinh, cung cách phục vụ của khách sạn làm phiền lòng bao du khách. Đô thị còn thiếu những điểm sáng đèn, những hoạt động sôi động về đêm.

Để có được thương hiệu địa phương là một quá trình lâu dài, bền bỉ, nhất quán, phải có trách nhiệm và có tầm nhìn. Thương hiệu địa phương là chìa khoá thu hút nguồn nhân lực, vốn đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, du lịch, văn hoá - xã hội. Không có một chiến lược thương hiệu mạnh, thì mọi nỗ lực khó có thể được biết đến một cách rộng rãi, và quan trọng hơn khó có thể là điểm đến thực sự đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách du lịch.

Thật hạnh phúc khi nghe các bạn trẻ đi học ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ,... nhắc nhở nhau mình là "người con của Đất Sen hồng". Vậy là  "hồn sen" đã bén rễ rồi. Câu chuyện đó tác động đến thái độ sống, học tập, làm việc của mỗi người. Câu chuyện đó có thể quyết định du khách đến thăm, mua sản phẩm hoặc dịch vụ, làm kinh doanh, thậm chí là sinh sống. Quyết định của con người một phần mang tính duy lý và một phần phụ thuộc vào cảm xúc. Không một hoạt động nào của con người thoát khỏi quy luật này.

Vậy đó, hình ảnh địa phương được tạo dựng đâu chỉ bằng câu khẩu hiệu được nhiều người khen hay là "Đồng Tháp thuần khiết như hồn Sen". Còn đó biết bao việc phải làm, phải huy động sức mạnh cả cộng đồng. Còn đó cần làm sao lan toả đến nhiều nơi, nhiều người. Đừng làm kiểu "đánh trống, bỏ dùi"!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn