Câu chuyện ma túy

Cập nhật ngày: 04/05/2019 21:32:56

http://baodongthap.com.vn/database/video/201905050248055-5 CAU CHUYEN MA TUY.mp3

Nhớ lại chừng hai mươi năm trước đây, báo chí đưa tin Đồng Tháp mình bắt đầu xuất hiện những người nghiện ma tuý đầu tiên. Đọc tin mà ngỡ ngàng, mà bồi hồi, mà lo lắng đến nao lòng. Hồi đó, ai cũng nghĩ ma tuý là chuyện "tận đẩu tận đâu", chứ xứ mình bình yên lắm, con người mình chân chất lắm thì làm sao mà tưởng tượng đến ngày có người dính dáng tới ma tuý?!? Vậy mà, giờ đây, trải qua khoảng thời gian hơn hai mươi năm thì vấn nạn ma tuý đã càng ngày càng trở thành nỗi lo của cả xã hội.

Thì đó, hàng ngày báo đài đưa những tin tức về những người nghiện quậy phá, cướp của, giết người thật dã man, mất hết nhân tính. Bao nhiêu gia đình ly tán, tan nhà nát cửa vì có người thân trở thành con nghiện nặng. Bao nhiêu thanh niên sức dài vai rộng, là trụ cột của gia đình, là người chủ xã hội trong tương lai bổng chốc thành những con bệnh vật vã, "nửa người nửa ngợm". Bao nhiêu lời than vãn, lời cảnh tỉnh, lời kêu gọi nhưng chưa mang lại hiệu quả. Như có "ma đưa lối, quỷ dẫn đường"”, nhiều người, nhất là thanh thiếu niên, lại trở thành con nghiện…

Rồi ngành chức năng vào cuộc một cách quyết liệt. Nào là, tuyên truyền sâu rộng trong đối tượng thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh và toàn xã hội. Nào là, ra quân trong các chiến dịch bài trừ ma tuý. Nhiều đường dây buôn bán bị phát hiện và truy tố, thậm chí bị tuyên án tử hình. Nhưng đường dây này bị triệt phá lại xuất hiện đường dây khác lớn hơn, tinh vi hơn. Điều đó cho thấy, dường như "nước chảy về chỗ trũng", ma tuý vẫn như thách thức trước những câu hỏi chưa có lời giải. Những người nghiện được đưa vô các trung tâm cai nghiện, rồi tái hoà nhập cộng đồng trong sự mặc cảm của người nghiện và ác cảm của cộng đồng, để rồi lại tái nghiện.


Các bạn đoàn viên trong buổi sinh hoạt, giao lưu với học viên tại Cơ sở Điều trị nghiện tỉnh (ảnh tư liệu). Ảnh: Hữu Nghĩa

Cuộc tranh cãi ma tuý là "con bệnh" hay là "tội phạm" vẫn tiếp diễn. Cả xã hội lên án với những lời lẽ nặng nề nhất. Có người mong muốn có những hình phạt nghiêm khắc hơn, thậm chí còn dẫn chứng thái độ quyết liệt của ông Tổng thống như ở một xứ sở nọ. Có người thì đề xuất phải cách ly con nghiện ra hoang đảo để cắt nguồn cung. Tất cả cũng vì mong muốn một xã hội bình yên, nhưng xem ra, giữa mong muốn và thực tế còn khoảng cách khá xa. Cuộc đấu tranh với ma tuý càng ngày càng khó khăn hơn. Âu lo, bất an và ngao ngán là tâm trạng xã hội trước vấn nạn có tính thời đại này.

Chúng ta có nhiều cơ quan chức năng phụ trách chống tội phạm buôn bán ma tuý, có cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, giúp người nghiện điều trị và tái hoà nhập cộng đồng. Nhưng dường như còn thiếu vắng các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế những đối tượng tìm đến ma tuý. "Mỗi cây hoa, mỗi nhà mỗi cảnh": Có người bị lôi kéo, rủ rê, thích tìm cảm giác lạ. Có người do đua đòi lối sống ăn chơi. Có người do buồn chán, căng thẳng. Có người bị bỏ rơi, bị tổn thương, bị hắt hủi. Có người bị bế tắc trong cuộc sống, không thấy lối thoát… dẫn đến con đường nghiện ngập, tăm tối. Đây là những người bị rối loạn trầm cảm, dễ tìm đến ma tuý như là một liệu pháp tiêu cực để tự giải thoát mình. Họ vừa bị tổn thương về sức khoẻ vừa bị bất an về tinh thần. Càng bị kỳ thị, xa lánh càng khiến họ bất cần, thu mình lại ở một góc tối trong xã hội và chỉ cần một nguyên nhân nhỏ nào đó là bùng phát trở thành tội phạm. Cộng đồng cần giúp họ nhận ra vẫn còn cơ hội vượt qua những trắc trở trong cuộc sống. Từng đối tượng có biểu hiện tâm lý khác nhau nên cần đến cách tiếp cận khác nhau.

Câu chuyện ma tuý cần đến những giải pháp đồng bộ, lâu dài, kiên trì, bền bỉ của cả xã hội, phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và cả xã hội. Suy cho cùng, trước khi đi vào con đường nghiện ngập, người nghiện vẫn là con người bình thường, "sức dài vai rộng", cũng có những ước mơ, hoài bão trở thành con người tốt. Nhưng đôi khi, "dòng đời xô đẩy" họ đi vào bóng tối, trở thành người xấu. Và gia đình, người thân của họ chắc chắn hàng ngày chịu biết bao điều tiếng, đau khổ, giày vò trước sự phán xét của những người chung quanh. Chỉ khi thấu cảm như vậy mới có cách tiếp cận mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn, phù hợp từng đối tượng. Như vậy, tiếp cận tệ nạn ma tuý không chỉ bằng những công cụ của các ngành chức năng, mà còn là việc xã hội tham gia ngăn chặn những đối tượng có nguy cơ đi vào con đường nghiện ngập. Việc này chắc không có gì mới nhưng chưa được thực hiện một cách kiên trì.

Rất mừng là trong thời gian qua, đây đó đã có những sáng kiến hay của Đoàn Thanh niên và lực lượng Công an về thành lập các câu lạc bộ tập hợp những thanh thiếu niên có nguy cơ tham gia các tệ nạn xã hội hoặc quản lý các đối tượng nghiện trong cộng đồng.

Câu chuyện ma tuý là cực kỳ khó, cần kết hợp nhiều giải pháp chứ không chỉ là triệt phá, trừng phạt hay xử lý hình sự. Đừng chỉ biết căm phẫn mà mỗi người cần hành động theo cách của mình để góp phần làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn!

Lê Minh Hoan   

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác