Chuyện về những người trẻ

Cập nhật ngày: 28/10/2021 19:48:02

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211028084325nguoitewwwddddd.mp3

(Viết tặng các bạn trẻ ở Thành phố trẻ vùng biên)

Một chính khách nước ngoài chia sẻ, muốn hình dung tương lai của một quốc gia ra sao, hãy tìm và hỏi những người trẻ. Vì chính những người trẻ tạo nên động lực phát triển cho xã hội. Vì chính những người trẻ dồi dào nhiệt huyết, sục sôi đam mê, tràn trề khát vọng, luôn khát khao làm được điều gì đấy lớn lao, có ý nghĩa. Vì chính những người trẻ chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng lại hay bỏ cuộc, dù hiểu rõ con đường tới thành công vốn chẳng hề bằng phẳng.

Vừa rồi, người viết may mắn có dịp trò chuyện với những người trẻ ở “thành phố trẻ” vùng biên – những nông dân trẻ “con nhà nòi” đất Hồng Ngự. Cuộc gặp gần gũi, chân chất, như giữa những người bạn thân thiết từ lâu. Khi những tác động từ dịch bệnh Covid 19 còn đang âm ỉ, nhiều cảm xúc tiêu cực, bào mòn niềm tin và sức chịu đựng của các thành phần trong xã hội, những người trẻ vẫn giữ được sự lạc quan, chắt chiu từng cơ hội, nhắc nhau “sau cơn mưa, trời lại sáng”.

Có đúc kết rằng, người cao tuổi thường mơ về quá khứ, người trẻ tuổi thường mơ về tương lai. Giấc mơ nào cũng đẹp. Quá khứ lưu giữ nét đẹp kỷ niệm, khắc ghi điểm nhấn từng chặng ngắn dài đã qua. Tương lai gắn với nét đẹp táo bạo của mục tiêu, đam mê, hoài bão. Người trẻ hay nghĩ đến những điều chưa có, chưa tồn tại, thậm chí hoang đường. Nhưng có sao đâu, đây đó người ta đã thành công khi dám biến điều chừng như không thể thành có thể, đây đó người ta khởi sự lập nghiệp bằng hành trang đầy ắp những điều khác lạ, “điên rồ”. Thay vì tặc lưỡi “ngựa non háu đá”, tại sao không chia sẻ, động viên, hướng dẫn, tiếp sức cho người trẻ?

Đã mơ, thì nên mơ lớn. Đã nghĩ, thì nên nghĩ lớn. Chớ để “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Cha ông bao đời gắn bó với nghề nông trên mảnh đất này, trở thành “lão nông tri điền” đáng kính. Tiếp nhận kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết của cha ông, thế hệ trẻ hôm nay, cũng trên thửa ruộng, mảnh vườn, ao nuôi ấy, quyết tạo nên những giá trị mới vượt bậc. Giá trị mới đến từ thay đổi trong cách nghĩ, cách làm để thích ứng với xu hướng mới của một thế giới luôn chuyển động không ngừng. Giá trị mới đến từ việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, để nâng cao năng suất, tối ưu chi phí, khắc phục trở ngại do thời tiết, khí hậu, dịch bệnh. Giá trị mới đến từ tinh thần liên kết, hợp tác, sẵn lòng đi cùng nhau, nghĩ cho nhau và làm vì nhau. Giá trị đến từ những sản phẩm được kết tinh qua mỗi ngày nước lớn, nước ròng, qua mỗi tháng nước dâng, nước kém, qua mỗi năm mùa nước, mùa khô, thấm đượm tình đất, tình người.

Nói không với cam chịu, tự bằng lòng, những người trẻ nơi vùng đất giàu khát vọng vươn lên này, quyết vượt qua những “rào cản” vô hình, những nếp nghĩ e dè đang chắn lối. Người khác làm được, tại sao mình lại không làm được? Mình khó, người khác cũng khó. Nước nôi mình khan hiếm, người ta còn tìm cách canh tác trên sa mạc khô cằn. Đất đai mình manh mún, nhỏ hẹp, người khác cũng đâu dễ tìm được thửa đất liền mảnh, rộng lớn. Thời tiết mình mưa nắng thất thường, người người còn thường xuyên đối mặt với bão lũ, động đất, sóng thần,… Nhìn lên mình có thể chưa bằng ai, nhưng nếu nhìn quanh, vẫn thấy mình còn điều kiện dễ chịu, thuận lợi, hơn bao nhiêu người. Vậy là khác biệt chính ở cách nhìn, cách nghĩ, cách tiếp cận. Hãy nhìn vào chính mình, để tự kiểm đếm những điều mình có, để tìm cách phát huy. Hãy nhìn người khác, không phải để phân bì, tự ti, an phận, mà để tự tin khẳng định, vươn lên: “Người khác làm được, thì mình cũng làm được!”.

Gác lại những than phiền, những người trẻ nơi vùng đất hào sảng này, cần mẫn biến điều bất lợi thành cơ hội. Làm lúa quanh năm ba vụ dễ dẫn đến suy kiệt dinh dưỡng của đất, thì các bạn nghĩ đến việc xen kẽ lúa - tôm, lúa - cá, lúa - sen. Tôm cá, ốc cua dần giảm đi do nguồn nước thượng nguồn về ít, về muộn, thì các bạn bắt đầu thả nuôi trên cánh đồng lúa sinh thái theo mô hình tuần hoàn tự nhiên. Các bạn tự hào giới thiệu “Sản phẩm mùa nước nổi đất Hồng Ngự” đến với người người gần xa.

“Cá nhỏ” không e ngại “đại dương”, những người trẻ nơi vùng đất kiên cường này, dường như không sợ thất bại. Khí chất mảnh đất và con người vùng biên được tôi luyện qua các cuộc chiến tranh bảo vệ xóm làng, những người trẻ Hồng Ngự hôm nay càng không ngại khó, ngại khổ. Các bạn được sinh ra và lớn lên trong những gia đình làm nông hiểu được đất, ngửi được mùi đất, nếm được vị đất, biết nhìn “nước trong, nước quay”, biết tính ngày con nước. Hệ sinh thái tự nhiên gồm đất, nước, muôn loài đa dạng bồi đắp cho những người trẻ ý chí mạnh mẽ, sống đời đáng sống, giàu có và văn minh.

“Hồng Ngự ơi, tôi sẽ không bao giờ quên. Dù bao cách trở nhưng không nhạt nhoà!”. Một dịp về Hồng Ngự, càng thêm nhiều cảm tình và niềm tin vào tương lai của vùng đất này, được tạo nên bởi nguồn lực đa dạng, tài nguyên bản địa phong phú. Đó chính là lịch sử vùng đất từng vang danh phiên hiệu Hùng Ngự, được tạo dựng và gìn giữ bởi bao thế hệ can trường, khí phách, không khuất phục bất công,… Đó chính là “dòng Tiền Giang êm ái”, tắm mát tâm hồn người Hồng Ngự. Đó chính là con cá tra và nhiều loài cá nước ngọt, sản vật từ dòng Mê-kông hùng vĩ. Đó chính là những người trẻ Hồng Ngự đang miệt mài viết nên câu chuyện ý nghĩa của riêng mình, để cùng viết nên câu chuyện của “thành phố trẻ” vùng biên năng động, giàu sức sống.

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn