Triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023

Cập nhật ngày: 23/09/2022 11:18:19

ĐTO - Ngày 22/9, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa, năm 2022; Triển khai kế hoạch sản hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 tại các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.


Thu hoạch lúa ở
đồng bằng sông Cửu Long

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa ước năm 2022 tại vùng ĐBSCL đạt gần 3,9 triệu ha, với năng suất bình quân là 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24.129 nghìn tấn tương đương so với cùng kỳ các năm trước. Thực hiện cánh đồng lớn lúa vùng ĐBSCL, vụ thu đông 2022 ước đạt 100 nghìn ha bằng 70% so với các vụ trước đây. Riêng vụ lúa thu đông 2022 ở ĐBSCL diện tích gieo sạ đạt trên 700,5 nghìn ha, năng suất ước đạt 57,6 tạ/ha, tăng 1,03 tạ/ha và sản lượng đạt 4,1 triệu tấn, tăng 55 nghìn tấn.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2022-2023, Nam bộ sẽ xuống giống 1,58 triệu ha (vùng ĐBSCL khoảng 1,5 triệu ha). Trong đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ xuống giống 192 nghìn ha, với năng suất bình quân ước đạt 74 tạ/ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn. Năm nay, Bộ NN &PTNT khuyến cáo các tỉnh vùng ĐBSCL chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển để đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Cụ thể: Đợt 1 xuống giống sớm (từ ngày 10 - 30/10) những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển);  Đợt 2 (từ ngày 1/11 đến ngày 30/11) thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; Đợt 3 (từ ngày 1/12 đến ngày 31/12) thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; Còn lại một số vùng xuống giống đông xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10/01/2023.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh, thành  tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình gieo trồng mới, có hiệu quả; chú trọng công tác dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh hại để khuyến cáo các biện pháp phòng trừ kịp thời; tiếp tục thực hiện liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân; tập trung quản lý tốt giống cây trồng, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Việc bố trí thời vụ như trên và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Ngoài ra cũng đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt.

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn