"Trung Quốc phải rút ngay toàn bộ tàu, giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam"

Cập nhật ngày: 10/05/2014 05:16:07

Việc làm cần thiết nhất là Trung Quốc phải rút toàn bộ tàu cũng như giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Trong những diễn biến mới nhất liên quan đến việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam, ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo nhằm biện minh cho hành động của mình, đồng thời nhắc lại lập trường về cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như vu cáo tàu Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 9/5 với phóng viên Đài TNVN và một số cơ quan báo chí, ông Trần Duy Hải- Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia khẳng định, việc làm cần thiết nhất hiện nay là Trung Quốc phải rút toàn bộ tàu cũng như giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

PV: Thưa ông, trong cuộc họp báo ngày hôm qua, yêu cầu của Trung Quốc là chỉ đàm phán trong trường hợp chúng ta rút hết tàu của cảnh sát biển và tàu của ngư dân ra khỏi vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Trần Duy Hải: Tôi xin khẳng định, khu vực đặt giàn khoan HD 981 hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Cho nên, việc các lực lượng chấp pháp của Việt Nam bao gồm cảnh sát biển cũng như ngư chính thực thi các biện pháp quản lý tài vùng biển đó là hoàn toàn thuộc quyền của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. Do đó, việc cần thiết nhất hiện nay là Trung Quốc phải rút toàn bộ tàu cũng như giàn khoan của họ ra khỏi khu vực này.

PV: Tại cuộc họp báo, các quan chức ngoại giao Trung Quốc đã không thể trả lời được rằng có bao nhiêu tàu Trung Quốc được cử tới khu vực đặt giàn khoan. Trong khi đó, họ lại nói rằng, tàu của phía Việt Nam chủ động đâm vào tàu Trung Quốc?

Ông Trần Duy Hải: Tôi được biết, trong cuộc họp báo này, phóng viên có đưa một số câu hỏi như vậy nhưng các quan chức Trung Quốc không trả lời được. Điều đó cho thấy, các quan chức Trung Quốc không thể hiện sự nghiêm túc, không thể hiện được các số liệu cụ thể cũng như các hình ảnh cụ thể. Mà cũng xin khẳng định rằng, Trung Quốc không bao giờ có được những hình ảnh đó bởi vì tàu của Việt Nam hoàn toàn là tàu dân sự và không có những hành vi gây sự với tàu Trung Quốc. Chính các tàu Trung Quốc đã chủ động gây hấn với tàu Việt Nam. Còn trong cuộc họp báo vừa qua, Việt Nam đã đưa những hình ảnh rất cụ thể để chứng minh cho hành động phi pháp của Trung Quốc.

PV: Thưa ông, như vậy những thông tin mà Trung Quốc đưa ra là thiếu chính xác và có phần mập mờ?

Ông Trần Duy Hải: Việc làm đó của họ đã thể hiện rõ, Trung Quốc luôn mập mờ trong các công việc liên quan, kể cả yêu sách của họ ở Biển Đông cũng chưa bao giờ làm rõ trong khi cả thế giới đang yêu cầu họ phải chứng minh rằng, các yêu sách của họ phù hợp với luật pháp quốc tế.

PV: Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Xin ông cho biết phản ứng lần này của Việt Nam có gì khác so với các lần trước?

Ông Trần Duy Hải: Chính sách của chúng ta là nhất quán, kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta trên biển. Chúng ta luôn duy trì chính sách hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp. Trong cuộc họp báo vừa qua, tôi cũng đã nói rõ rồi. Chủ quyền đối với Việt Nam là hết sức thiêng liêng. Do đó, chúng ta sẽ sử dụng tất cả những biện pháp hòa bình đã được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế để bảo vệ những quyền và lợi ích của chúng ta ở Biển Đông. Một lần nữa tôi xin khẳng định rằng, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của mình theo quy định Công ước LHQ về Luật biển năm 1982. Xét bất kỳ góc độ nào việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 cũng như tàu các loại vào vùng biển của Việt Nam đều coi là bất hợp pháp, trái với các quy định của Luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết những nỗ lực ngoại giao của chúng ta kể từ sau cuộc họp báo quốc tế ngày 7/5 vừa qua tại Hà Nội?

Ông Trần Duy Hải: Sau cuộc họp báo đó, chúng tôi cũng có thêm một cuộc tiếp xúc ngoại giao nữa với phía Trung Quốc tại Bắc Kinh để trao đổi, xứ lý vấn đề này nhưng phía Trung Quốc vẫn khăng khăng quan điểm của họ. Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho đến nay cũng đã có 4 lần giao tiếp với phía Trung Quốc. Cho đến cuộc gặp ngày hôm qua, phía Trung Quốc vẫn khăng khăng quan điểm của họ. Mấy ngày qua, báo chí cũng như chính giới nước ngoài đã có các phát biểu phê phán việc làm của Trung Quốc. Điều đó cho thấy chính nghĩa thuộc về Việt Nam và chúng ta luôn tuân thủ luật pháp quốc tế. Tại cuộc họp báo vừa qua, tôi đã nói rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 cũng như hàng chục tàu các loại vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam mà còn đe dọa đến an ninh, an toàn trên Biển Đông. Điều đó sẽ làm cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới quan tâm vì họ đều có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh, an toàn trên Biển Đông.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Hương Giang /VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn