Bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân

Cập nhật ngày: 27/09/2022 07:09:26

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của bão số 4, từ ngày 26/9, các tỉnh, thành phố nằm trong mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3, cấp 4 đồng loạt triển khai các biện pháp ứng phó. Trong đó, tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là tập trung ứng phó bão theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.


Công an phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Ðà Nẵng hỗ trợ người dân phòng chống bão

Chủ động triển khai các kịch bản ứng phó với bão số 4, các địa phương nằm trong cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai cấp 3, cấp 4 đang tranh thủ từng thời khắc để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Ðà Nẵng... cho học sinh nghỉ học từ chiều 26/9, lệnh cấm các phương tiện hoạt động trên biển, kể cả vận chuyển khách từ Cảng Sa Kỳ ra huyện đảo Lý Sơn và ngược lại, các cơ quan, công sở tại Ðà Nẵng nghỉ làm từ hôm nay (27/9).

Chống bão theo phương châm "bốn tại chỗ"

Trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 26/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) Lê Minh Hoan lưu ý, bão số 4 rất mạnh nên tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng, chống bão nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Bên cạnh rà soát các phương án sơ tán di dời dân tại các vùng xung yếu ven biển, cần chú ý các vùng có nguy cơ sạt lở ở miền núi. Các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, tài lực phòng, chống bão, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương nằm trong tâm bão theo dự báo phải huy động các lực lượng xung kích, tình nguyện, chủ động mọi kịch bản để ứng phó với bão. Người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 4, cả hệ thống chính trị-xã hội tỉnh Quảng Ngãi triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tỉnh phân công tất cả các lãnh đạo về các địa phương chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó với bão. Ngoài việc cấm biển từ 12 giờ trưa 26/9, Quảng Ngãi lên phương án di dời, sơ tán 24.571 hộ với 84.426 khẩu ở các vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn, hoàn thành trước 10 giờ ngày 27/9. Trên địa bàn tỉnh có 142 điểm có nguy cơ sạt lở đất. Hiện, các huyện đã chủ động rà soát và có phương án chi tiết di dời, sơ tán dân tại các điểm nguy cơ cao. Ðịa điểm sơ tán dân phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường. Ðặc biệt, các địa phương triển khai biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường khi bão đổ bộ.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống bão. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án đã xây dựng trước mùa mưa lũ; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực nước ngập sâu. Toàn tỉnh có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Hiện, toàn bộ số phương tiện và lao động trên đã được lực lượng bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương kêu gọi vào bờ, hướng dẫn neo đậu an toàn. Ðại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã huy động 380 cán bộ, chiến sĩ và 18 phương tiện thường trực, sẵn sàng ứng phó với mưa bão; kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp các tàu thuyền vào nơi trú bão; tổ chức quản lý và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; rà soát các điểm xung yếu ở khu vực biên giới để nắm chắc tình hình, giúp dân chằng chống nhà cửa, kịp thời di dời người dân khi có tình huống xảy ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó khẩn cấp với bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Qua kiểm tra, rà soát, tỉnh đã lên phương án di dời, sơ tán hơn 400.000 người dân tại vùng có nguy cơ đến nơi trú ẩn an toàn. Dự kiến, công tác sơ tán dân sẽ hoàn thành trước 9 giờ ngày 27/9; đồng thời bảo đảm lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung. Hiện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động 22 phương tiện cùng 150 cán bộ, chiến sĩ trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức bắn pháo hiệu thông báo bão, thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết về bão kịp thời vào bờ; kêu gọi lao động vào bờ tránh trú, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện.

Huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh hiện là địa phương có nhiều tàu cá trong vùng nguy hiểm, do vậy, chính quyền các cấp của thị xã khẩn trương thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền di chuyển đến các nơi an toàn. Lãnh đạo tỉnh Bình Ðịnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát phương án di dời dân, có phương án cụ thể cho trường hợp thiên tai ở cấp độ 4 và rà soát toàn bộ nhà cấp 3, cấp 4 nguy cơ cao để tiến hành phương án di dời phù hợp.


Lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế giúp người dân các xã ven biển sơ tán phòng, tránh bão

Tính mạng người dân là trên hết

Ban cán sự đảng UBND thành phố Ðà Nẵng chỉ đạo lập sở chỉ huy phòng, chống bão tại trụ sở UBND thành phố để phối hợp với các lực lượng trong công tác phòng, chống bão. Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Nguyễn Văn Quảng giao bí thư cấp ủy và thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ phòng, chống bão trước, trong và sau bão; phân công lãnh đạo ứng trực... Tổ chức việc sơ tán nhân dân đúng đối tượng và thời gian, hoàn thành trước 14 giờ ngày 27/9, bảo đảm lương thực, thực phẩm, y tế cho người dân ở các điểm sơ tán và cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng, có khả năng cô lập.

Thành phố Ðà Nẵng thống nhất từ 12 giờ trưa 27/9, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp... được nghỉ làm việc. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tổ chức 20 đội cơ động cứu hộ cứu nạn với 500 cán bộ, chiến sĩ, 3 xe bọc thép lội nước, sẵn sàng cứu dân ở bất cứ thời điểm nào, ở đâu trên địa bàn thành phố. Sở Y tế tổ chức 15 tổ cấp cứu lưu động, 15 xe cấp cứu, sẵn sàng cấp cứu người bị nạn do bão, lũ.

Ðến chiều 26/9, toàn bộ 18 hộ dân sống tại khu vực Suối Ðá (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Ðà Nẵng) đã được di dời đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Văn Hiệp (trú tổ 36) cho biết, sáng nay đã xin nghỉ làm để cùng vợ con tỉa cây, gia cố mái nhà trước giờ đi sơ tán theo yêu cầu của chính quyền. "Rất cảm ơn các cấp chính quyền đã quan tâm đến người dân. Nhà tạm bợ nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để sơ tán đi nơi khác. Không có gì quý hơn tính mạng của mình. Gia đình tôi sẽ ở tạm nhà người thân trong 2-3 ngày tới". ông Hiệp nói. Ông Lê Từ Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang chia sẻ: Chúng tôi đang chuẩn bị mọi mặt theo phương châm "bốn tại chỗ". Trong đó đặc biệt chú trọng an toàn tính mạng, tài sản, thuốc chữa bệnh. Tất cả phải đặt tính mạng người dân lên trên hết.

Tại các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), ngư dân đang hối hả đưa tôm hùm ươm nuôi đến nơi an toàn, chằng chống lồng bè phòng mưa bão, nước lũ đổ về. Người ướt đẫm mồ hôi, ông Trình Minh Quốc, ở xã An Hòa Hải nói: "Bão sắp vào, ngư dân dời lồng vô đầm Môn tránh gió và nước lũ. Rút kinh nghiệm mấy năm trước, cuộc di dời tôm diễn ra hết sức khẩn trương, nếu không sẽ mất trắng tiền tỷ".

Tại vùng nuôi trồng thủy sản thuộc khu vực Hòn Yên, xã An Hòa Hải, nhiều người dân nuôi tôm hùm cũng khẩn trương thu hoạch tôm nuôi nhằm tránh thiệt hại. Theo ông Trần Sáu, Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải, địa phương đã phát thông báo cảnh báo về cơn bão số 4 trên loa truyền thanh xã. Xã đã cử lực lượng xuống hướng dẫn người dân đưa tàu thuyền đến nơi an toàn và gia cố, chằng néo lồng bè, khu nuôi trồng thủy hải sản; vận động người dân thu hoạch sớm thủy sản nuôi nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra. Ðịa phương kiên quyết không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và trên tàu thuyền tại các khu neo đậu...

Khẩn trương gia cố công trình

Tại công trình kè biển An Phú (thành phố Tuy Hòa), các đơn vị thi công khẩn trương gia cố các hạng mục đang thi công nhằm hạn chế sóng biển gây thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền. Ông Phạm Hoàng Trí, Giám sát trưởng công trình kè biển An Phú, cho biết: Công trình kè biển An Phú thuộc dự án Cấp bách kè biển Xóm Rớ và khu vực sạt lở xã An Phú (thành phố Tuy Hòa) do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Riêng công trình kè An Phú sẽ thực hiện nâng cấp khoảng 300m và xây mới 160m. Ðến nay, đoạn kè 500m cơ bản hoàn thành; đoạn xây mới thuộc 160m đến nay cơ bản hoàn thành khoảng 130m; tổng khối lượng của công trình đạt khoảng 85%. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương gia cố những điểm xung yếu, đưa trang thiết bị, máy móc, vật tư... đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Ðã có những thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng của bão số 4, tại tỉnh Gia Lai nhiều diện tích cây trồng ngã đổ, nhà dân ngập nước, kênh mương nội đồng bị sạt lở. Cụ thể: 33,1ha lúa thiệt hại (huyện Ðắk Ðoa, Mang Yang); 1,7ha rau màu (xã Trà Ða, TP Pleiku); 49 hộ dân trên tuyến quốc lộ 19 thuộc địa bàn xã Kdang, huyện Ðắk Ðoa bị ngập nước cục bộ. Ngoài ra, có hai hộ dân tại xã Trà Ða và phường Phù Ðổng (TP Pleiku) bị sập một phần tường rào; đập Ia Bung (thôn 1, xã An Phú, TP Pleiku) bị sạt lở vai đập; kênh đất nội đồng dẫn nước tưới tại cánh đồng Bla Trek (xã Kdang, huyện Ðắk Ðoa) bị vỡ khoảng 10m; kênh dẫn nước tại công trình đập lò than (xã Ayun, huyện Mang Yang) bị sạt lở thân đập khoảng 10m ■

Lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1136/QÐ-TTg ngày 26/9 thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão số 4. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương.

Quyết định nêu rõ: Thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại thành phố Ðà Nẵng để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 năm 2022 (cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ). Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phó Trưởng ban: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm Phó Trưởng ban thường trực.

Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ban chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng nhân dân, hạn chế thiệt hại do bão; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai) chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Ðà Nẵng và các bộ, ngành liên quan bảo đảm công tác hậu cần, bố trí phương tiện, trang thiết bị, thông tin liên lạc phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.

Ban chỉ đạo tiền phương tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Theo NDO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn