Giá điện bình quân tăng lên 1.369 đồng/kWh

Cập nhật ngày: 30/06/2012 08:16:11

Bộ Công thương tính toán, đợt điều chỉnh này không tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Mức chi trả thêm của 1 hộ gia đình tối đa chưa đến 39.000 đ/tháng nếu sử dụng 400 kWh/tháng.

Theo thông tư 17 vừa được Bộ Công thương ban hành hôm nay (29/6), kể từ ngày 01/7 tới, giá bán điện bình quân sẽ tăng thêm 65 đ/kWh tương ứng tăng 5% ) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng là 1.304 đ/kWh lên 1.369 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Quyết định này dựa trên những biến động về thông số đầu vào số đầu vào cơ bản được sử dụng cho tính giá điện.


Ảnh minh họa

Cụ thể, giá than bán cho điện đã tăng từ 10-11,5% tùy từng loại. Ngoài ra, theo dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), doanh thu bán điện của tập đoàn sẽ tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của EVN dự kiến từ 01/7 đến 31/12/2012 là 56,8 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia), được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.

Bộ Công thương cho biết, lần điều chỉnh giá điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo cơ cấu được quy định tại Quyết định 268 của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đ/kWh.

Với động thái này, Bộ Công thương khẳng định, việc điều chỉnh giá bán điện ngày 1/7 có tác động với mức độ tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Phía cơ quan điều hành dẫn chứng, các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đ/kWh).

Trong khi đó, các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng cũng chỉ tăng chi 4.200 đ/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 8.600 đ/tháng.

Còn những hộ sử dụng 200 kWh/tháng sẽ tăng chi 14.050 đ/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.050 đ/tháng và thậm chí nếu sử dụng 400 kWh/tháng cũng chỉ tăng chi đến mức 38.950 đ/tháng.

Tăng giá điện chỉ là vấn đề thời gian

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, chuyên gia kinh tế độc lập, TS Vũ Đình Ánh cho biết không bất ngờ về quyết định này của Bộ Công thương cũng như EVN.

Trước đó, mặc dù vẫn luôn “than lỗ” song do diễn biến thị trường chưa cho phép, tình hình kinh tế vĩ mô còn khó khăn, để san sẻ với cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên giá điện vẫn chưa tăng.

Trong khi đó, lần tăng giá điện gần nhất là từ 20/12/2011. Như vậy, EVN đã giữ giá điện không tăng trong hơn 6 tháng. Quy định được Thủ tướng ban hành cho phép EVN được điều chỉnh giá điện sau tối thiểu 3 tháng.

Kết thúc năm 2011, ngoài khoản lỗ trên 10.000 tỷ đồng, kinh doanh các mặt hàng khác đã giảm lỗ xuống khoảng 8.000 tỷ đồng, thì EVN còn lỗ thêm khoảng 15.000 tỷ do chênh lệch tỷ giá. Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh từng tuyên bố, toàn bộ số lỗ này đều phải hạch toán hết vào giá thành.

Tại lần trao đổi trực tuyến với nhân dân hồi đầu năm, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đưa ra nhìn nhận: “Có lẽ rất ít nền kinh tế nào trên thế giới lại có nhu cầu về điện tăng cao như Việt Nam với mức tăng bình quân 15%/năm trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng điện năng lại quá thấp, chúng ta phải đầu tư 2-2,5 đơn vị điện để tăng trưởng GDP 1- 1,5%”.

Giữa bối cảnh đó, giá điện lại luôn được duy trì ở mức thấp, thậm chí thấp hơn giá thành, vì ngành điện phải thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, bên cạnh mục tiêu cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Do giá rẻ nên không khuyến khích được người dùng có ý thức tiết kiệm điện, cản trở tính hấp dẫn của nhà đầu tư vào ngành điện. Và một cái hại nữa là không khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Vì vậy, trước tất cả thực tế đó, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đi đến nhất quán một chủ trương là ngành điện phải hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Như vậy, việc tăng giá điện chỉ nằm ở vấn đề thời gian, và khi lạm phát đã ở mức thấp như hiện nay (tháng 6 âm) thì việc điều chỉnh tăng giá điện không còn quá "sốc" như trước.

Song cũng cần phải lưu ý rằng, chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp trong thời gian gần đây do cầu quá thấp, sức mua của người dân suy giảm mạnh khiến sản xuất thu hẹp, buộc giảm giá thành để tiêu thụ hàng tồn.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, việc điều hành của Chính phủ thời gian tới cần thận trọng hơn để vừa hỗ trợ được tăng trưởng trước mắt, vừa đảm bảo trong một vài năm tiếp theo, nguy cơ lạm phát không quay trở lại như từng xảy ra trước đây.

DTO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn