Một vùng quê hoang mang khi 12 người đàn ông nhiễm HIV

Cập nhật ngày: 30/05/2012 08:53:31

 Đó là 12 người dân tại ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Điều đáng nói là cả 12 bệnh nhân này chưa rõ con đường lây nhiễm.

Nguyên nhân do cùng trị bệnh một thầy thuốc?

Cuộc sống yên bình của một vùng nông thôn đột nhiên bị xáo trộn, khi căn bệnh HIV/AIDS bùng phát. Đó là 12 người dân tại ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) phát hiện mình dương tính với HIV. Điều đáng nói là cả 12 bệnh nhân này đều là nam giới và chưa rõ con đường lây nhiễm. Nhiều người mang án “tử” mà không biết nguyên do từ đâu.


Người dân lo lắng trước tính mạng của mình

Ông Huỳnh Văn H., cũng như nhiều bệnh nhân khác ở ấp Phú Đăng, hiện đang thấp thỏm lo âu, muốn buông xuôi công việc lao động sản xuất. Bởi ông và 5 người trong gia đình vừa đi xét nghiệm và cho kết quả bị nhiễm HIV. Ngoài ông ra còn có hai người con trai, một người là anh em chú bác và hai người cháu cũng đã bị lây nhiễm.

Ông H. cho biết, vào tháng 3 vừa rồi, thấy trong ấp có người bị nhiễm HIV, ông đến Viện Pasteur (TP Hồ Chí Minh) xét nghiệm thì có kết quả dương tính với bệnh này.

Đến nay trong ấp phát hiện 12 người bị dương tính HIV. Ông H. và các bệnh nhân HIV khác tại địa phương quả quyết là do thầy thuốc Đỗ Văn Bé - một y sĩ ở tổ y tế ấp làm lây nhiễm mầm bệnh khi tiêm thuốc. Bởi ông đã 62 tuổi, làm nghề thợ hồ, có cuộc sống lành mạnh, không ăn chơi sa đọa; trong khi đó người thầy thuốc này tiêm thuốc có thay kim tiêm, nhưng dùng cùng lọ thuốc được pha chế sử dụng chung cho nhiều bệnh nhân, nên có nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Được biết, ông Nguyễn Văn C. là bệnh nhân HIV đầu tiên ở ấp Phú Đăng. Khi đi phẫu thuật sạn thận tại Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh), nơi đây xét nghiệm máu đã phát hiện ông dương tính với HIV. Từ thông tin này, người dân địa phương cũng đi xét nghiệm và phần đông đều cùng chung số phận.

Các bệnh nhân này cho biết, họ đều từng khám bệnh, tiêm thuốc tại nhà ông Đỗ Văn Bé – là y sĩ, nguyên là cán bộ đội vệ sinh phòng dịch (Trung tâm y tế huyện Mỏ Cày Nam). Khi về hưu, dù không có giấy phép hành nghề nhưng ông vẫn tổ chức khám chữa bệnh tại địa phương. Người thầy thuốc này trị “bá bệnh”; đặc biệt đối với bệnh đau nhức thì ông sử dụng chung lọ thuốc để tiêm cho nhiều bệnh nhân. Người dân địa phương thường xuyên đến tổ y tế này khám bệnh, tiêm thuốc.

Tuy nhiên ông Bé không thừa nhận mình làm lây lan HIV cho bệnh nhân nào. Trước đó, Thanh tra Sở Y tế Bến Tre đã có quyết định xử phạt ông Đỗ Văn Bé số tiền 12,5 triệu đồng vì “hành nghề khám chữa bệnh nhưng không có chứng chỉ hành nghề”.

Ấp Phú Đăng đột nhiên có 12 người đàn ông bị nhiễm HIV là chuyện bất thường. Ấp Văn hóa này đang trên đà phát triển, cuộc sống an cư lạc nghiệp của nhân dân bỗng nhiên bị xáo trộn. Người dân cho biết, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”, bởi con số nhiễm HIV thật có thể sẽ tăng lên, do khả năng có người xét nghiệm dương tính HIV nhưng giấu kín, hoặc có người không dám đi xét nghiệm HIV.

Cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc

Người dân ấp Phú Đăng hiện nay đều phập phồng lo sợ là biết mình hoặc người thân trong gia đình mình có nhiễm bệnh thế kỷ này không. Ông Phan văn Hiệp, người dân ấp Phú Đăng bức xúc: “Tôi thấy nhiều người trong xóm bị nhiễm HIV quá. Bà con là dân lao động chứ không phải dân ăn chơi, mà cứ 1km2 là có hơn 10 người bệnh. Tôi đề nghị ngành chức năng có thẩm quyền điều tra làm rõ vấn đề này để bà con yên tâm làm ăn”.

Còn đối với 12 bệnh nhân dương tính với HIV, thì cái chết đã được báo trước nên càng thêm bi thảm. Họ không khỏi mặc cảm khi tiếp xúc với cộng đồng và không biết giải thích thế nào khi mầm bệnh mang trong người. Anh Huỳnh Văn T. – một bệnh nhân HIV tâm sự: “Tôi phát hiện mình bệnh này khi đi xét nghiệm tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, tuy nhiên vợ tôi chưa nhiễm bệnh. Hiện nay, tôi thực hiện đúng các khuyến cáo của cán bộ y tế, không để lây lan cho vợ con và cộng đồng. Tuy mọi người không xa lánh nhưng tôi thấy mặc cảm, hạn chế đi đám tiệc, tiếp xúc người khác. Tôi mong ngành chức năng làm rõ con đường lây bệnh cho chúng tôi để sau này người khác biết né tránh”.

Sau khi phát hiện nhiều ca bệnh HIV, các cơ quan chuyên môn của Sở Y tế tỉnh Bến Tre, Trung tâm y tế huyện Mỏ Cày Nam đã tổ chức nhiều đoàn đến khảo sát, điều tra nắm tình hình lây lan căn bệnh này; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bệnh nhân và người thân áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh lây lan. Còn về xác định nguyên nhân chính xác làm lây lan bệnh này phải nhờ Viện Pasteur hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hiển, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mỏ Cày Nam cho biết: “Xã Ngãi Đăng đột ngột có nhiều trường hợp lây nhiễm HIV là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Trung tâm y tế sẽ làm việc với chính quyền và trạm y tế xã để tăng cường tuyên truyền hơn nữa về bệnh này. Tuy nhiên quan điểm tôi là không làm lớn chuyện, sẽ gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng”.

Đối với chính quyền, đoàn thể xã Ngãi Đăng, thì việc bùng phát bệnh HIV/AIDS xem như ngoài khả năng và còn có thái độ thờ ơ, đổ trách nhiệm cho ngành y tế. Bởi kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về căn bệnh này còn hạn chế. Chính quyền địa phương e ngại nói về bệnh HIV sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của xã và nói sai chuyên môn.

Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Công Thức né tránh không cung cấp thông tin, khiến các phóng viên báo chí phải “cầu viện” lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo mới gặp được lãnh đạo xã. Ông Đoàn Công Thức thừa nhận: “Khi Trung tâm y tế huyện thông tin bệnh HIV, tôi không biết nguyên nhân lây bệnh từ đâu, cái này là thẩm quyền của y tế…”.

Chuyện hơn 10 người dân bị nhiễm HIV/AIDS cùng một thời điểm ở một ấp là điều cần báo động. Thiết nghĩ, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre cần khẩn trương vào cuộc tìm ra nguyên nhân làm lây lan căn bệnh này; có biện pháp giúp số người nhiễm bệnh và nhân dân địa phương ngăn chặn sự lây lan căn bệnh thế kỷ, bảo vệ tính mạng người dân vùng nông thôn này đang bị “tử thần” đe dọa./.

Theo Chu Trinh VOV

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn