Ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong đấu thầu

Cập nhật ngày: 07/06/2013 07:55:40

Sau gần 7 năm thi hành Luật Đấu thầu, các hoạt động đấu thầu mua sắm sử dụng vốn Nhà nước đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn Nhà nước.

Tại phiên thảo luận ở tổ chiều (6/6), hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) với vai trò là luật chung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước thuộc tất cả các lĩnh vực và các hình thức là cần thiết.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về chỉ định thầu. Có ý kiến đề nghị việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay, trường hợp do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài và một số điều kiện khác thì như quy định của Luật Đấu thầu hiện hành.


Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai bị chậm tiến độ

Đồng tình với quan điểm này và làm rõ hơn về trách nhiệm của các chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng trong trường hợp chỉ định thầu vẫn phải gắn rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tránh hiện tượng chậm tiến độ, chất lượng dự án kém đổ tội cho cơ quan chỉ định thầu

Theo đại biểu Đinh La Thăng (Thanh Hoá), dự thảo luật cần làm rõ việc các bộ có được phép làm chủ đầu tư dự án không, nếu quy định không rõ sẽ dẫn tới việc bộ chuyên ngành sẽ không được làm chủ các dự án của ngành mình. Đơn cử Bộ Giao thông vận tải không được làm chủ các dự án giao thông, Bộ Y tế không được làm chủ đầu tư các dự án y tế...

Ông Thăng cho rằng nếu không làm rõ quy định trên sẽ dẫn đến hiện tượng tất cả các nhà thầu của Bộ Giao thông vận tải sẽ không được tham gia. Trong khi hiện nay tất cả các dự án giao thông vốn ODA, các đơn vị giao thông không được tham gia đấu thầu nhưng thực tế vẫn làm vì đứng sau doanh nghiệp khác.

Do vậy theo ông Thăng cần quy định rất cụ thể, theo đó các bộ chuyên ngành vẫn làm chủ đầu tư và phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành cũng được tham gia đấu thầu một cách bình đẳng như mọi doanh nghiệp khác.

Khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp, ông Thăng đề nghị cần quy định giá sàn xây dựng trên cơ sở định mức đơn giá hiện hành, nếu không nhiều doanh nghiệp sẽ bỏ giá rất thấp xong không làm hoặc làm chây ỳ. Thực tế như dự án đường Hà Nội-Lào Cai chậm tiến độ, chủ đầu tư không làm gì được nhà thầu chính Kangnam, mà chỉ xử lý được nhà thầu phụ.

Một số vấn đề về quản lý Nhà nước trong hoạt động đấu thầu, về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu cũng được các đại biểu góp ý, theo đó đối với các gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, dự án Luật quy định áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá là hợp lý, tạo cơ sở cho sự đánh giá hồ sơ dự thầu một cách linh hoạt hơn.

Cũng theo nhiều đại biểu, Dự thảo Luật đã được rút gọn so với luật cũ tới 10 điều, tuy nhiên vẫn có tới tới 37 điều giao cho Chính phủ hướng dẫn. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) băn khoăn khi Luật ra đời sẽ thực hiện ra sao. Do vậy cơ quan soạn thảo cần cố gắng nghiên cứu các nội dung luật hoá những vấn đề đã qua thực tiễn, giảm bớt các Nghị định hướng dẫn để luật sớm đi vào cuộc sống.

Theo Chinhphu.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn