Trung Quốc đang cố tình làm sai lệch Công thư năm 1958

Cập nhật ngày: 17/06/2014 07:17:40

Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai ý nghĩa và bối cảnh lịch sử của bức thư để phục vụ cho yêu sách lãnh thổ sai trái của mình.


Ông Trần Duy Hải phát biểu tại cuộc họp báo

Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, Cục Kiểm ngư, và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức chiều 16/6, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia tiếp tục đưa ra những bằng chứng bác bỏ những luận điệu sai trái mà Trung Quốc đưa ra nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế đối với các tranh chấp tại Biển Đông.

Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa

Theo ông Trần Duy Hải, Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 như là bằng chứng về việc Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. "Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc này", ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, thứ nhất, Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là tài liệu thông báo về việc các cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc và bức thư không đề cập gì đến vấn đề chủ quyền.

Trong bối cảnh lịch sử năm 1958, hành động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là nhằm ủng hộ việc Trung Quốc mở rộng vành đai an ninh trên biển từ 3 lên 12 hải lý. Tuy nhiên cho đến nay, Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai ý nghĩa và bối cảnh lịch sử của bức thư để phục vụ cho yêu sách lãnh thổ sai trái của mình.

Thứ hai, là một bên ký kết Hiệp định Geneva năm 1954, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng theo quy định của Hiệp định, Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, thuộc phạm vi quản lý của Việt Nam Cộng hòa, không thuộc phạm vi quản lý thực tế của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976 đã ngay lập tức kế thừa và nhất quán khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa do các đại diện khác nhau của Việt Nam thiết lập vững chắc trong lịch sử.

Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều đã có tuyên bố bày tỏ quan điểm và phản đối hành động của Trung Quốc. Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về hành vi sử dụng vũ lực của Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng một vùng lãnh thổ không thể tạo ra chủ quyền.

Ông Trần Duy Hải cũng cho biết thêm, năm 1958, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lúc đó là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rất rõ bối cảnh lịch sử liên quan đến các tài liệu mà Trung Quốc trích dẫn. Do vậy đến tháng 9/1975, với cương vị là Phó Chủ tịch Đảng, Phó Thủ tướng, trong trao đổi với Lãnh đạo Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có ý kiến khác nhau về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau này hai nước sẽ bàn bạc, giải quyết. Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của ông Đặng Tiểu Bình.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa", ông Trần Duy Hải nhấn mạnh.

Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực

Theo tài liệu được ông Trần Duy Hải công bố tại cuộc họp báo, Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này.

Năm 1959, âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây của một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. 82 "ngư dân" Trung Quốc đã bị bắt.

Cả hai hành động xâm chiếm trên diễn ra sau khi Việt Nam đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại Hội nghị San Francisco năm 1951 mà không gặp phải bất kỳ sự phản đối nào.

Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Miền Nam Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nắm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Hành động sử dụng vũ lực thôn tính lãnh thổ của một quốc gia khác là vi phạm các nguyên tắc cơ bản luật pháp quốc tế, không thể tạo nên chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Tại cuộc họp báo, các phóng viên trong nước và quốc tế cũng được xem một video clip về những tư liệu có từ thế kỷ 17 đến nay, đều khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tài liệu này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Trong khi đó, Trung Quốc không thể đưa được bằng chứng có giá trị hoặc những bằng chứng không có nguồn gốc rõ ràng, thiếu nhất quán và không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cũng khẳng định, việc Trung Quốc đang cố tình viện dẫn sai nội dung và thời điểm Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho thấy Trung Quốc đang biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp, biến yêu sách đường lưỡi bò thành sự thật, thực hiện chính sách bá quyền ở Biển Đông.

VOV

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn