Ứng phó khẩn cấp với dịch cúm gia cầm

Cập nhật ngày: 14/02/2014 05:13:48

Ưu tiên cao nhất lúc này của Việt Nam là không để virus lây lan vào trong nước.

Trước diễn biến phức tạp dịch cúm gia cầm H5N1 và nguy cơ lây lan dịch cúm H7N9 từ Trung Quốc có thể xâm nhập vào nước ta, chiều 13/2, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp khẩn bàn các biện pháp phòng chống dịch.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm quốc gia cho biết; virus cúm H7N9 đã xuất hiện tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, có 337 người mắc bệnh, trong đó 70 trường hợp tử vong.


Toàn cảnh phiên họp khẩn bàn về các biện pháp chống dịch

Theo các chuyên gia, đây là loại virus có độc lực cao, cứ 4 người nhiễm virus thì có một người chết. Đặc biệt, hiện nay virus đã xuất hiện tại tỉnh Quảng Tây–Trung Quốc, giáp 4 địa phương phía Bắc của Việt Nam, nên nguy cơ virus xâm nhập vào Việt Nam là rất cao.

Điều nguy hiểm của chúng virus này so với virus H5N1 là virus H7N9 không làm cho gia cầm bị chết và không có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Virus chưa gây bệnh lâm sàng trên động vật nên phương pháp duy nhất là lấy mẫu xét nghiệm xác định gia cầm mang bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người để chủ động phát hiện và sẵn sàng ngăn chặn giảm thiểu tác động bất lợi nếu virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.

Theo đó, Kế hoạch hành động được xây dựng trên các tình huống, trong đó ưu tiên cao nhất lúc này đối với nước ta đó là không để virus lây lan vào trong nước.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục thú y cho biết: “Biện pháp ưu tiên số 1 hiện nay là nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc. Thứ hai là triển khai lấy mẫu giám sát trên gia cầm buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết, mẫu môi trường thuộc địa bàn có nguy cơ cao. Thứ ba là tăng cường năng lực ngành thú y, chẩn đoán, xét nghiệm, phối hợp với các phòng thí nghiệm quốc tế để cập nhập các quy trình chẩn đoán kỹ thuật đối với virus cúm A/H7N9 và các virus khác”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ Việt Nam đang có nguy cơ cao lây lan dịch H7N9 nên càng phải nỗ lực để ngăn chặn virus cúm này vào nội địa. Trước mắt, các địa phương có đường biên giới cần thắt chặt quản lý đường biên, không để tình trạng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân là yếu tố quyết định để mỗi người tự phòng chống cho bản thân và gia đình.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: “Chúng ta phải ngăn chặn bằng được sự xâm nhập của virus thông qua việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới nhất là gà loại thải. Một khi chúng ta đã quyết tâm, đồng lòng từ trung ương xuống địa phương thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đề nghị các bộ ban nghành, đia phương chúng ta làm quyết liệt hơn nữa để ngăn ngừa việc buôn bán việc vận chuyển gia cầm, các loại sản phẩm gia cầm qua biên giới".

Dự kiến, ngày 14/2, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm cầm sẽ hoàn thiện và ban hành bản dự thảo Kế hoạch hành động này để các bộ, ban, ngành và địa phương sớm triển khai./.

Sơn Lâm-Đình Lưu/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn