Thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành tư pháp

Cập nhật ngày: 20/07/2023 15:00:58

ĐTO - Ngày 20/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.


Quang cảnh đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương; chủ động  xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước tiếp nhận hơn 53.000 vụ việc hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành 42.000 vụ, đạt 79%, qua đó góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác thi hành án dân sự được quan tâm đẩy mạnh, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và tín dụng, ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm, tổng số việc phải thi hành hơn 775.000, đã thi hành xong hơn 382.000 việc, đạt 66%, tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số tiền phải thi hành trên 374.600 tỷ đồng, đã thi hành xong trên 70.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 32%.

Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, công tác nghiên cứu khoa học pháp lý... đạt nhiều kết quả.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, Bộ, ngành tư pháp và các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành tư pháp; tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lĩnh vực do Bộ, ngành tư pháp quản lý có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, triển khai và duy trì tốt các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành tư pháp, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành tư pháp, góp phần vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Nguyễn Long

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn