Cần quan tâm, đầu tư cho hoạt động văn học nghệ thuật

Cập nhật ngày: 10/04/2017 06:48:11

ĐTO - Qua thời gian triển khai, thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa VIII về thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và qua 5 năm thực hiện Đề án Phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) tỉnh, lĩnh vực văn học, nghệ thuật về cơ bản có những chuyển biến tích cực, các hoạt động VHNT có tính chuyên nghiệp hơn, có bước phát triển mới, nhiều tác phẩm có giá trị đạt giải thưởng khu vực, quốc gia. Các hoạt động phong trào có bước phát triển sâu rộng, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị, góp phần định hướng tư tưởng thẩm mỹ của nhân dân.

Bên cạnh đó, hoạt động VHNT tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém như: chức năng hoạt động VHNT của các thiết chế văn hóa ở các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được phát huy tốt; hoạt động của các Hội VHNT chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm được giao; chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng chưa cao; tác phẩm VHNT chưa thu hút đông đảo công chúng thưởng thức, sự xâm nhập của các tác phẩm độc hại tác động tiêu cực đến tinh thần, đời sống người dân; hoạt động lý luận, phê bình chưa thể hiện rõ nét. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn nhiều khó khăn, chưa thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân có tiềm lực trong và ngoài tỉnh tham gia. Trình độ cán bộ làm công tác VHNT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp VHNT của tỉnh đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Phát huy vai trò của VHNT và văn nghệ sĩ trong việc tạo dựng hình ảnh địa phương, xây dựng giá trị nhân văn trong xã hội, góp phần xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cần quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động VHNT ngày càng cao của nhân dân. Tạo điều kiện, chăm lo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng văn nghệ sĩ địa phương, động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị. Làm tốt công tác quản lý và ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm VHNT có nội dung tư tưởng độc hại. Củng cố, phát huy tác dụng các thiết chế văn hóa gắn với việc thực hiện chủ trương sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ VHNT của nhân dân.

Đ.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn