Chiến lược phát triển văn hóa gắn với nhiệm vụ của đơn vị, địa phương

Cập nhật ngày: 24/03/2022 06:01:02

ĐTO - Việc xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa thật sự trong sạch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và địa phương, nâng cao nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần, giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn... là mục tiêu của kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.


Tỉnh luôn quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Hò Đồng Tháp và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ

Ông Châu Văn Bo - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Tam Nông quan tâm đầu tư phát triển ngày càng hoàn thiện, đồng bộ các thiết chế văn hóa, xây dựng và ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa đạt nhiều kết quả quan trọng. Tất cả 12 xã, thị trấn của huyện đều có Trung tâm Văn hóa - học tập cộng đồng, trong đó, nhiều Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng đạt chuẩn theo quy định. Nhìn chung, các thiết chế văn hóa từng bước đáp ứng nhu cầu và thu hút Nhân dân tham gia các hoạt động sáng tạo cũng như hưởng thụ các giá trị văn hóa như giao lưu văn nghệ, thể thao trên địa bàn. Ông Cao Văn Hòa Vũ – Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lai Vung cho biết, địa phương đã tập trung tuyên truyền, tận dụng các thiết chế văn hóa cơ sở để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nhằm tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao. Qua đó, góp phần tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh nói chung, trong đó có chính sách về văn hóa nói riêng đến với người dân địa phương.

Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp thống nhất trong đa dạng, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc trưng của con người Việt Nam và phát huy phẩm chất “nghĩa tình, năng động, sáng tạo” của con người Đồng Tháp; đồng thời phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hóa. Vì thế, nhằm cụ thể hóa Quyết định số 1909 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đối với vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, văn hóa, con người Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển. Mục tiêu của kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đến năm 2025 là xây dựng Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, nâng cấp Bảo tàng tỉnh; 12/12 Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh cấp huyện có trụ sở làm việc (đến năm 2021, có 11/12 đơn vị có trụ sở làm việc); 110/115 xã có Trung tâm Văn hóa – học tập cộng đồng; 470/573 nhà văn hóa ấp hoặc liên ấp (chiếm 82%); thực hiện các hạng mục, công trình liên quan đến các Dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp phấn đấu đạt 60%; lập hồ sơ khoa học trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi danh di tích Văn hóa Óc Eo thuộc Khu di tích Gò Tháp là Di sản văn hóa thế giới phấn đấu ước đạt 80%;...

Theo UBND tỉnh, công tác triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, kiên trì, lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị thông qua nhiều giải pháp cụ thể. Điển hình như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Xây dựng con người Đồng Tháp phát triển toàn diện, có nhân cách, lối sống chuẩn mực, với phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam là yêu nước, nhân ái, trung thực, đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có lòng tự hào dân tộc, lối sống lành mạnh, có thế giới quan khoa học, hướng đến chân - thiện - mỹ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững đất nước.

Các cấp, ngành quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng, có giá trị, nhất là các tác phẩm đạt giải tại các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc đến với công chúng. Thực hiện cơ chế đặt hàng sáng tác một cách hợp lý; phát huy vai trò công tác phê bình văn học, nghệ thuật; đồng thời quản lý chặt chẽ, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động sáng tác, truyền bá tác phẩm văn học, nghệ thuật có ảnh hưởng xấu đối với xã hội; định kỳ tổ chức, nâng cao chất lượng Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu. Quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Gìn giữ, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, chú trọng phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Hò Đồng Tháp và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ...

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn