HUYỆN HỒNG NGỰ

Chú trọng nâng cao các tiêu chuẩn đánh giá và công nhận danh hiệu văn hóa

Cập nhật ngày: 25/08/2022 05:28:55

ĐTO - Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường. Từ đó, các hoạt động của ngành văn hóa và thông tin huyện Hồng Ngự được triển khai thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra với khí thế sôi nổi, nội dung và hình thức tổ chức phong phú, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn huyện tham gia. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH)” và xây dựng nông thôn mới chuyển biến theo chiều hướng tích cực.


Ấp Long Hòa, xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) nhiều năm liền được công nhận đạt chuẩn “Ấp văn hóa nông thôn mới”

Bà Đặng Thị Yến Trinh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự cho biết, đơn vị đã tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa huyện (viết tắt Ban Chỉ đạo huyện) về kế hoạch thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2021 - 2026 và kế hoạch thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2022 trên địa bàn huyện Hồng Ngự. Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch giai đoạn và từng năm là tập trung thực hiện các tiêu chuẩn và trình tự đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa trong phong trào TDĐKXDĐSVH theo tinh thần Quyết định số 548 ngày 12/6/2019 của UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bà Đặng Thị Yến Trinh cho biết thêm, sau khi tiếp nhận Quyết định số 548 ngày 12/6/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn và trình tự đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa trong phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện từ huyện đến cơ sở. Từ đó, công tác đăng ký xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH); ấp, xã văn hóa nông thôn mới; khóm, thị trấn văn minh đô thị được triển khai thực hiện và người dân hưởng ứng tích cực.

Nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và nâng cao chất lượng trong bình xét các danh hiệu văn hóa, đặc biệt là trong bình xét danh hiệu GĐVH, hàng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa huyện tổ chức tập huấn Quyết định số 548 của UBND tỉnh đến các Tổ Nhân dân tự quản. Ngoài ra, để công tác bình xét các danh hiệu văn hóa đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng, Ban Chỉ đạo huyện và các xã, thị trấn thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, phân công cụ thể từng ngành thành viên phụ trách xã, thị trấn; phụ trách khóm, ấp và chịu trách nhiệm các lĩnh vực liên quan đến ngành.

Đồng thời định kỳ 6 tháng và cuối năm, Ban Chỉ đạo huyện tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tại các xã, thị trấn, nhất là Ban Vận động khóm, ấp nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế, khó khăn và hướng dẫn khắc phục. Đối với công tác bình xét các danh hiệu văn hóa hàng năm, Ban Chỉ đạo huyện phân công thành viên và cơ quan Thường trực (Phòng Văn hóa và Thông tin) trực tiếp theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn cơ sở, đặc biệt là công tác bình xét danh hiệu GĐVH. Trong 3 năm triển khai thực hiện bình xét danh hiệu GĐVH theo Quyết định số 548 của UBND tỉnh trên địa bàn huyện cho thấy, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa hàng năm có tăng nhưng không cao, do định hướng của Ban Chỉ đạo huyện là nâng dần chất lượng không chạy theo số lượng.

 Cụ thể, năm 2019, toàn huyện Hồng Ngự có 92,34% gia đình đạt chuẩn văn hóa, năm 2020 đạt 95,54% và năm 2021 đạt 95,30%. Từ năm 2020, huyện đã áp dụng thủ tục hành chính trong công nhận và tặng Giấy khen cho các hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa hàng năm và đạt chuẩn GĐVH 3 năm liên tục, góp phần khích lệ tinh thần, đẩy mạnh thi đua phấn đấu xây dựng GĐVH trong Nhân dân. Riêng danh hiệu “Ấp văn hóa nông thôn mới”, “Khóm văn minh đô thị”, “Xã văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn văn minh đô thị” và “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” cũng được Ban Chỉ đạo huyện thực hiện đánh giá và công nhận theo quy trình thủ tục hành chính, tiết kiệm được phần lớn thời gian và chi phí thực hiện so với trước đây.

Về kinh phí khen thưởng các danh hiệu văn hóa trong phong trào TDĐKXDĐSVH, từ năm 2019 đến nay, toàn huyện Hồng Ngự đã khen thưởng các danh hiệu văn hóa cho 2.921 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa 3 năm liên tục; 5 khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa 5 năm liên tục; 6 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới 5 năm liên tục và 6 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 2 năm liên tục với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng. Nhìn chung, Quyết định số 548 của UBND tỉnh hướng dẫn khá cụ thể quy trình, thủ tục, trình tự đánh giá và công nhận từng danh hiệu văn hóa, giúp cơ sở dễ dàng nắm bắt và triển khai thực hiện nhanh chóng. Đồng thời phân công cụ thể các ngành thành viên phụ trách từng chỉ tiêu, tạo thuận lợi trong việc triển khai phân công nhiệm vụ cũng như quy định trình tự và thời gian thực hiện cụ thể, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại hiệu quả cao.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn