Đờn ca tài tử xứng đáng là di sản văn hóa của nhân loại

Cập nhật ngày: 06/12/2013 05:59:48

Chia sẻ của nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền - người đã dày công nghiên cứu Đờn ca tài tử từ hơn 20 năm qua.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào hồi 12h47', giờ địa phương ngày 5/12 (15h47 phút giờ Việt Nam).


Đờn ca tài tử Nam bộ

Quyết định trên được đưa ra tại Phiên họp Uỷ ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan.

Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19. Đây là một tin vui cho những người yêu mến văn hoá Việt Nam nói chung và Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng.

Ngay khi nhận được quyết định này, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền đã chia sẻ với phóng viên niềm vui của người đã dày công nghiên cứu Đờn ca tài tử từ hơn 20 năm qua và cũng là người trực tiếp tham gia vào xây dựng hồ sơ loại hình dân gian này để đệ trình lên UNESCO.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Tôi cho rằng tất nhiên Đờn ca tài tử phải đạt được danh hiệu đó. Tôi đã nghiên cứu thể loại này từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và tôi hiểu rằng Đờn ca tài tử - một loại nhạc đỉnh cao như thế mà không được thì quá là phi lý.

Có thể khẳng định đây là nghệ thuật đỉnh cao trong các loại nhạc cụ thuộc họ đàn dây của người Việt. Số lượng bài bản lên đến hàng trăm bài. Có thể độc tấu, hoà tấu với những hình thức diễn xướng khá là phong phú, thể hiện thú chơi ngẫu hứng, tính sáng tạo của người Việt. Cùng là một bài nhưng người ta có thể đàn rất nhiều cách khác nhau, không lần nào giống lần nào nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc chung là điệu (hơi) và lòng bản. Đó là một nghệ thuật đỉnh cao của người Việt.

Theo kế hoạch ban đầu, hồ sơ Đờn ca tài tử Việt Nam dự định đăng ký vào danh sách xét duyệt năm 2012. Tuy nhiên, do ưu tiên hồ sơ về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nên hồ sơ về Đờn ca tài tử phải lùi lại đến bây giờ.


Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

PV: Nhiều di sản văn hoá Việt Nam khi được UNESCO vinh danh thì đều đang ở trong ngưỡng gặp thách thức và nguy cơ mai một. Với trường hợp của Đờn ca tài tử sau khi được vinh danh thì có cơ hội và thách thức ra sao?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Không có gì là thách thức cả vì trước khi được công nhận thì đờn ca tài tử là một loại hình có sức sống mạnh mẽ ở Nam Bộ. Có thể nói hiện nay đây là loại hình có sức sống mạnh mẽ nhất, có số lượng khán giả đông nhất, có số lượng người thực hành nhiều nhất trong tất cả các thể loại cổ nhạc Việt Nam.

Đờn ca tài tử thừa hưởng được âm điệu của nhạc tuồng Bắc, của nhạc Cung đình thính phòng Huế và của nhạc lễ Nam Bộ.

Nó thể hiện dòng chảy di cư của người Việt từ phương Bắc chí Nam như là một vạch nối của lịch sử thể hiện tất cả tinh hoa của đàn dây và đẩy nghệ thuật đàn dây lên đỉnh cao.

Vấn đề ở chỗ truyền thống thưởng thức/biểu diễn loại nhạc này được duy trì cả trăm năm nay rồi và tương đối bền vững. Hơn thế nữa, Đờn ca tài tử còn là cơ sở hình thành một loại hình sân khấu cuối cùng của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đó là sân khấu cải lương.

Nói cách khác, Đờn ca tài tử là cái nôi đào tạo ra những anh tài để đưa lên sân khấu và âm nhạc của nó đã được dùng chính thức trên sân khấu và được gọi là nhạc cải lương.

Những loại hình khác còn bị mai một, biến mất hoặc nguy cơ thất truyền, riêng đờn ca tài tử thì không vì lượng người thực hành ở Nam Bộ rất lớn. Và trong môi trường màu mỡ như thế thì đương nhiên có rất nhiều anh tài. Nghệ sĩ Kim Sinh là bố nuôi của tôi từng nói rằng: “Bao giờ Nam Bộ hết cỏ thì mới hết người đàn hay”.

PV: Cơ duyên nào đã đưa ông đến với loại hình âm nhạc này sớm như vậy?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Thầy của tôi, Giáo sư Vũ Nhật Thăng là người nghiên cứu thang âm nhạc Tài tử- Cải lương Nam Bộ. Ông có khuyên tôi từ thời sinh viên là nên nghiên cứu loại nhạc này trước vì đây là loại nhạc có ngón đàn và sự phát triển nghệ thuật đàn dây phức tạp nhất, khó nhất trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Chính vì thế mà tôi bắt tay vào làm ngay.

Càng làm thì càng vỡ ra biết bao nhiêu điều về âm nhạc cổ truyền Việt Nam vì Đờn ca tài tử thừa hưởng được âm điệu của nhạc tuồng Bắc, của nhạc Cung đình, thính phòng Huế và của nhạc lễ Nam Bộ. Nó thể hiện dòng chảy di cư của người Việt từ Bắc vào Nam như là một vạch nối của lịch sử nghệ thuật, thể hiện tất cả tinh hoa của đàn dây và đẩy nghệ thuật đàn dây lên đỉnh cao. Số lượng bài bản lớn nhất và cấu trúc bài bản cũng là phức tạp nhất và dài nhất, tạo lên một “mảnh đất hết sức màu mỡ” cho người độc tấu và hoà tấu để thi thố tài năng của từng cá nhân trên “mảnh đất” ấy.

Chính vì thế mà tính ngẫu hứng của Đờn ca tài tử rất cao. Điều ấy cũng thách thức người nghiên cứu, đòi hỏi phải cố gắng tìm hiểu và nắm bắt được qui luật âm điệu của nó. Tức là cùng một bản nhạc người ta có thể chơi hàng nghìn lần mà chả lần nào giống lần nào. Đấy là điều rất đặc biệt của loại hình này: đề cao tính ngẫu hứng trên cơ sở đó đề cao sự tài hoa của từng nghệ sĩ. Đối với loại nhạc này người ta chỉ cần nghe qua là biết nghệ sĩ đó thuộc lò đào tạo của danh cầm nào.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mỹ Trà/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn