Nhạc sống “dậy làng”

Cập nhật ngày: 31/03/2014 05:06:31

Phong trào nhạc sống tại gia không biết khởi phát từ đâu và từ khi nào, nhưng hiện nay nó đang là “mốt” thịnh hành khắp thành thị, nông thôn.


Nhạc sống, “mốt” giải trí thời thượng trong các tiệc tùng hiện nay

Tiệc lớn, tiệc nhỏ... đều có nhạc sống

Những năm gần đây, nhạc sống đã trở thành khá phổ biến trong các tiệc tùng từ thành thị đến nông thôn. Nhiều gia đình, mỗi khi nhà có tiệc: cưới, sinh nhật, tân gia, thôi nôi,... thì thuê dàn nhạc sống đến phục vụ rình rang. Chị Phan Thị Hiền ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình nói: “Vừa rồi, đầu xóm tôi có người ăn mừng thôi nôi cho cháu nội đích tôn có nhạc sống linh đình. Mới hôm qua, cạnh nhà cũng có một tiệc cưới với dàn âm thanh nhạc sống “khủng””.

Nhiều gia đình, đám tang, đám giỗ người thân cũng rước nhạc sống về biểu diễn cho “ấm lòng” người đã khuất. Thậm chí, trong tiệc nhậu “cốc ổi” của “quý ông” ở nông thôn, khi nổi hứng cũng hùn tiền gọi nhạc sống đến nhà phục vụ.

Để không thua kém, không ít gia đình ở nông thôn dù đời sống kinh tế khó khăn nhưng mỗi khi có đám tiệc vẫn nhín tiền hay vay nóng tiền hàng xóm để thuê nhạc sống về hát cho “xôm tụ” giống người ta.

Nhiều hệ lụy do quá đà

Nhạc sống tại gia là một loại hình văn hóa giải trí lành mạnh, chính đáng và cần thiết trong đời sống thường nhật của người dân. Đáng tiếc, một bộ phận người dân làm quá đà, thái quá đã gây nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

Thực tế, nhiều người phải khổ sở khi chịu sự “tra tấn” của những bữa tiệc nhạc sống tại gia quá đà cả về cường độ âm thanh lẫn độ dài, thời gian. Cô Nguyễn Hồng Tươi ở xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự bức xúc nói: “Mỗi khi trong xóm có đám tiệc là xem như cả xóm mất ngủ, vì tiếng nhạc xập xình lẫn tiếng hát phát ra từ các dàn nhạc sống nghe đinh tai, nhức óc. Chưa kể, những người tham gia nhảy múa va chạm, giành hát dẫn đến xô xát, đánh nhau gây mất an ninh trật tự”.

Chị C.T.D ở phường 4, TP.Cao Lãnh cũng bức xúc cho biết: “Nhà cạnh gia đình tôi rất mê nhạc sống. Cách đây 2 năm, nhà bên đó có đám tang nhưng không khí y như ngày hội, nhạc, trống ì đùng, khách khứa hò hát thâu đêm huyên náo cả khu vực. Bây giờ mỗi khi đến giỗ nhà ấy cũng không thiếu món nhạc sống”.

Càng nguy hại hơn sau khi có được cảm giác lâng lâng vì bia, rượu, không ít “ca sĩ” của sân chơi “nhạc sống” cất cao giọng những bài nhạc “chế” với nhiều ca từ lệch lạc, thô thiển, thiếu tính văn hóa, thẩm mỹ, nhưng vẫn được hàng chục “khán giả” trong sân chơi vỗ tay tán thưởng, tạo nhiều hình ảnh, âm thanh vô cùng phản cảm. Khổ là vậy, nhưng chẳng ai dám nói vì sợ mất lòng hàng xóm.

Để lành mạnh hóa phong trào

Những mặt tích cực của nhạc sống trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân (giao lưu, giải trí,...) là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta cần có biện pháp hạn chế, khắc phục những tiêu cực của phong trào này.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTT&DL), hiện nay nhạc sống là một loại hình giải trí cá nhân, hộ gia đình, là một hoạt động không phải xin phép. Trong quy chế hoạt động văn hóa của Chính phủ ban hành cũng không có quy định về hoạt động của loại hình này. Tuy nhiên, có thể căn cư vào Nghị định 167/2013 của Chính phủ về vi phạm trên lĩnh vực an ninh trật tự (hoạt động quá giờ quy định) và Nghị định 179/2013 của Chính phủ về vi phạm cường độ âm học (tiếng ồn) ở khu dân cư để xử lý vấn đề này để xử lý. Nhưng đây không là giải pháp khả thi, có thể sẽ gây nhiều phản ứng xã hội.

Ông Trần Phước Đa, Trưởng Phòng Thanh tra Sở VHTT&DL cho biết: “Để lành mạnh hóa phong trào nhạc sống, biến phong trào thành sân chơi lành mạnh, vui tươi, bổ ích góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thì công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức người dân trong việc điều chỉnh giờ giấc, âm lượng là thiết thực nhất. Thời gian qua, Sở đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép nội dung này vào các cuộc họp dân, họp tổ, khích lệ địa phương bàn luận thống nhất và đưa ra quy ước, hương ước quy định hoạt động của loại hình sinh hoạt này”.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn