Lễ giỗ gia đình cụ Trường Xuân:

Ôn lại chiến tích, sự hy sinh của những người vì nghĩa lớn

Cập nhật ngày: 27/10/2016 06:34:23

ĐTO Dù trời đang mưa nhưng có rất đông cán bộ và nhân dân đến thắp nén nhang thành kính viếng gia đình cụ Trường Xuân.


Cán bộ, nhân dân thắp nhang tại nơi thờ gia đình cụ Trường Xuân

Lễ giỗ lần thứ 69 của gia đình cụ Trường Xuân (cụ tên thật là Phan Văn On, sinh năm 1905) vừa được UBND xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười tổ chức. Tại Ban Chỉ huy Quân sự xã Trường Xuân (nơi đặt bàn thờ gia đình cụ) hôm ấy thật đặc biệt. Người dân, cán bộ xã ra vào rất đông mang theo lễ vật nào là chai rượu, mâm bánh ích, túi trái cây,... thành kính dâng lên bàn thờ. Sau khi thắp nén hương, mọi người ngồi lại với nhau, ôn lại chiến tích, sự hy sinh của gia đình cụ. Tất cả như nhắc nhớ nhau rằng thế hệ hôm nay không thể quên những bậc cha anh đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên lịch sử để có được xã Trường Xuân như hôm nay. Lật từng trang tài liệu do UBND xã Trường Xuân cung cấp, chúng tôi vô cùng cảm phục trước những hành động đẹp của gia đình cụ.

Cụ Trường Xuân, sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938 tại quê nhà. Khi bị giặc Pháp phát hiện, cụ cùng vợ, con đi vào Nam sinh sống tại chợ Tân An (tỉnh Long An) tiếp tục hoạt động cách mạng và làm nghề sửa máy hát dĩa, đèn manchon nhằm che mắt địch. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cụ tự nguyện mang tất cả máy móc của gia đình vào kinh Kho (tỉnh Long An), cùng anh em thành lập cơ sở sản xuất vũ khí thô sơ.

Khi thị xã Tân An bị thực dân Pháp tái chiếm, cụ cùng 2 con là Phan Trường Phát, Phan Trường Thành và người bạn là Nguyễn Văn Sơn chuyển toàn bộ phương tiện, máy móc vào chiến khu Đồng Tháp Mười tiếp tục sản xuất vũ khí, lần lượt nhập với cơ sở sản xuất vũ khí của Thủ Thừa. Với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí sáng tạo, cụ đã chế tạo nhiều loại vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang Khu 8. Đặc biệt, cụ chế tạo được loại lựu đạn có đuôi làm bằng dây bố (đay), vỏ thao, hiệu quả sát thương rất cao, làm cho quân địch khiếp sợ, được bộ đội thời đó đặt tên là lựu đạn Trường Xuân. Ngoài ra, mỗi ngày cụ sản xuất thêm 80 viên đạn súng mút (musqueton) giao cho Khu trưởng Trần Văn Trà vào mỗi buổi chiều.

Giặc Pháp chiếm Mộc Hóa, cụ cùng 2 con và các bạn dời lên Cái Bưng, Bông Súng, được ông Nguyễn Văn Trí - cán bộ Bộ Tư lệnh Khu 8 (sau này là Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7) chỉ đạo lên gò Mười Tải, đóng xung quanh Gáo Giồng thành lập Binh công xưởng I, Khu 8. Trong tổ chức mới hình thành này, cụ phụ trách sản xuất lựu đạn có đuôi, dây bố nạp bằng thuốc đen, cụ trực tiếp vô thuốc hoàn thành quả lựu đạn.

Vào mùa nước nổi, ngày 20/9/1947, tại kinh Cây Vông (trên Gãy Cờ Đen, nay thuộc xã Trường Xuân), trong khi pha chế thuốc nổ bằng các dụng cụ thô sơ đã xảy ra cháy, mọi người hốt hoảng bơi ra đồng. Lúc này, trên ghe còn nhiều lựu đạn thành phẩm, khi nổ có thể gây thương vong cho nhiều người, cụ đã dũng cảm không sợ hy sinh cùng 2 con nhấn chìm ghe để tránh gây thương vong cho anh em công nhân. Thuốc nổ cháy, cụ và 2 con cùng người bạn thân bị bỏng nặng và hy sinh. Các công nhân và nhân dân địa phương vô cùng thương tiếc, an táng cụ và 2 con cùng người bạn thân tại Nghĩa trang liệt sĩ xã (đến năm 2005 cải táng về nghĩa trang huyện Tháp Mười).

Để ghi nhận công lao đóng góp của cụ đối với Cách mạng và nhân dân, tháng 8/1951, địa phương lấy tên cụ đặt tên xã Trường Xuân cho đến nay. Hiện tên cụ còn được đặt tên cho Trường THPT Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Ngày 21/10/2014, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Liệt sĩ Phan Văn On danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Vợ cụ Trường Xuân là cụ Ngô Thị Mẹo được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng do có chồng và 2 con là liệt sĩ. Do cả gia đình cụ tham gia kháng chiến và hy sinh, không còn thân nhân thờ phụng nên UBND xã đang thờ phụng và lấy ngày 19 - 20/9 âm lịch hàng năm tổ chức cúng giỗ gia đình cụ.

Lễ giỗ gia đình cụ Trường Xuân được UBND xã tổ chức 2 năm nay. Trước đây cũng vào ngày 19 - 20/9 âm lịch, Ban Chỉ huy Quân sự xã cúng mâm cơm canh cho gia đình cụ. Trong ngày lễ giỗ, địa phương thực hiện nghi lễ cúng đất đai, dâng hương các cụ tại nơi thờ và tượng đài liệt sĩ của xã, sau đó có 20 bàn ăn do bà con nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tự nguyện đóng góp và cùng tham gia dự lễ giỗ. Nói về việc tổ chức lễ giỗ gia đình cụ Trường Xuân, ông Dương Văn Kiệt - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, đây là việc làm ý nghĩa, ôn lại kỷ niệm ngày hy sinh của cụ và 2 người con. Trước nguyện vọng của nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn xã, địa phương thống nhất sẽ xây dựng nhà thờ cụ nằm trong khuôn viên UBND xã Trường Xuân, vừa mang tính trang nghiêm, vừa giáo dục thế hệ hôm nay về công lao, sự hy sinh của gia đình cụ.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn