Phát huy công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Cập nhật ngày: 06/11/2013 04:16:24

Bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh là công việc khó khăn bởi không ít các giá trị tinh thần, truyền miệng, truyền nghề có nguy cơ mai một. Song, với những nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn bảo tàng, nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên đất Đồng Tháp đã và đang được lập hồ sơ đề nghị bảo tồn cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế.


Hò Đồng Tháp sẽ được đề nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ảnh: Hữu Nghĩa

Ông Nguyễn Văn Nam - cán bộ hưu trí ở phường 1, thành phố Cao Lãnh là một trong những vị cao niên rất nhiệt tình trong việc cung cấp thông tin, cứ liệu, vật chứng liên quan đến Hò Đồng Tháp, giúp nhóm sưu tầm của Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh hoàn tất các bước cuối cùng về “Hồ sơ khoa học Hò Đồng Tháp”, chuẩn bị trình Hội đồng thẩm định của tỉnh cũng như đề nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xem xét đưa vào danh mục công nhận Hò Đồng Tháp là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông nói: “Bây giờ mới làm hồ sơ khoa học cho Hò Đồng Tháp thì chưa phải là quá trễ, nhưng tỉnh ta phải làm nhanh giá trị của Hò Đồng Tháp là rất sâu rộng trong tiềm thức của người dân không chỉ ở Đồng Tháp mà là cả nước, nếu lần hồi để mất hết gốc gát và những nhân chứng hiếm hoi thì thật đáng tiếc”.

Anh Nguyễn Đình Tô, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng Đồng Tháp chia sẻ: “Việc sưu tầm văn hóa phi vật thể khó khăn hơn nhiều so với văn hóa vật thể, bởi nó truyền miệng hay nằm trong trí nhớ của mọi người, nên rất phức tạp trong việc sưu tầm, xác minh, đối chiếu. Cho nên có những hồ sơ phải thực hiện trong một thời gian dài mà vẫn chưa thể hoàn tất”.

Di sản văn hóa phi vật thể hiểu gọn là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng và không ngừng được tái tạo, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Theo tiêu chí Bộ VHTT&DL đã đề ra thì 1 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, đòi hỏi phải có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Theo đó mà những năm qua đội ngũ cán bộ nghiệp vụ làm công tác sưu tầm bảo tồn bảo tàng của tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn và thực hiện được 24 hồ sơ văn hóa phi vật thể bao gồm 9 lễ hội, 13 làng nghề và đờn ca tài tử. Trong đó có 10 hồ sơ đã được đề nghị về Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng 3 hồ sơ khoa học được đề nghị trong năm 2012 đã có 2 hồ sơ được Bộ VHTT&DL ra quyết định công nhận đưa vào “Danh mục các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” là “Nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, Định An - huyện Lấp Vò” và “Đờn ca tài tử Nam bộ trên đất Đồng Tháp”.

Ông Trần Văn Nam, Trưởng Phòng Di sản - Sở VHTT&DL Đồng Tháp phấn khởi cho biết: “Đây là một năm bội thu của công tác sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể của Đồng Tháp. Khi 1 di sản được Bộ công nhận thì cái tầm của nó là tầm quốc gia, mang giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh đến với trong nước và quốc tế. Quảng bá những giá trị văn hóa của đất và người Đồng Tháp, đây cũng là cơ hội để chúng ta phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hội nhập mà vẫn phát huy được bản sắc văn hóa đậm đà quê hương, dân tộc của mình”.

Ông Trần Văn Nam cũng cho biết thêm, hiện Sở VHTT&DL đang chuẩn bị để tổ chức các lễ công bố quyết định 2 di sản văn hóa phi vật thể vừa được công nhận cấp quốc gia, đồng thời có định hướng tuyên truyền quảng bá và tiếp tục bảo tồn giá trị 2 di sản này trong đời sống cộng đồng, nhất là với đờn ca tài tử còn có thêm nhiều dự án để đưa giá trị văn hóa đặc sắc này đến với lớp trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên để những giá trị tinh thần tiếp tục lưu truyền trong đời sống cộng đồng, gắn bó với tâm tư, tình cảm của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngọc Hoa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn