Thăm Phủ thờ Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư Nghe giai thoại về vị tướng tài ba và cây xoài gần trăm năm tuổi

Cập nhật ngày: 13/07/2025 10:36:11

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250713103909dt2-5.mp3

 

ĐTO - Có dịp trở lại Mỹ Xương (nay thuộc xã Mỹ Thọ, tỉnh Đồng Tháp) trong vai một du khách tôi có dịp trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Mương - hậu duệ đời thứ 7 của Thư Ngọc Hầu để lắng nghe những câu chuyện ấn tượng về vị tướng tài ba và cây xoài gần trăm năm tuổi.


Phủ thờ Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư là 1 trong 4 điểm đến của tour du lịch Làng Mỹ Xương

Thư Ngọc Hầu - vị tướng tài ba

Thư Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thư, xuất thân từ một gia đình nghèo ở Bình Định (vào Nam độ khoảng đầu thế kỷ thứ XVIII, ngụ ở một nơi bên bờ sông Tiền, nay là xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (cũ)). Với tài năng và ý chí phi thường, ông đã nhanh chóng khẳng định mình trong triều đình nhà Nguyễn, trở thành một trong những công thần trụ cột của nước nhà.

Thư Ngọc Hầu được biết đến nhiều nhất với công lao cứu Chúa tại trận Thị Nại (năm 1794). Trong trận chiến khốc liệt đó, ông được chúa Nguyễn choàng áo long bào để trực tiếp chỉ huy, đốc thúc trận chiến và đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Sau khi lên ngôi, vua Nguyễn Ánh lấy hiệu là Gia Long và không quên công lao to lớn này, vua lệnh cho bộ Lễ soạn thảo văn bản, truy tặng cụ tước hiệu cao quý: Đặc Tiến, Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn (thứ 2 từ trái sang) thăm Phủ thờ Thư Ngọc Hầu

Phủ thờ Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư tọa lạc tại số 330, ấp Mỹ Thạnh, không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá, minh chứng cho cuộc đời và sự nghiệp của ông. Dẫn tôi đi tham quan phủ thờ, ông Mương kể chuyện về cụ tổ của mình với niềm tự hào ánh lên trong mắt. Ông Mương cho biết, hiện phủ thờ còn lưu giữ 2 hiện vật đặc biệt giá trị là sắc phong Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư bằng lụa thêu 12 con rồng, đóng ấn Phong Tặng Chi Bảo, được vua Gia Long ban cấp vào năm Gia Long thứ 13 (năm 1814) và bộ ván ngựa bằng danh mộc, kỷ vật còn lại của cụ.


​Phủ thờ luôn được con cháu giữ gìn, trùng tu khang trang và uy nghiêm qua nhiều thăng trầm lịch sử

Theo lời ông Mương, dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, con cháu vẫn luôn giữ gìn, trùng tu để nơi đây luôn khang trang, uy nghiêm. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của hậu thế đối với công lao to lớn của vị tiền nhân. Trong không gian linh thiêng, tôi cảm nhận được sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những câu chuyện lịch sử và cuộc sống đời thường.


Ông Nguyễn Văn Mương - hậu duệ đời thứ 7 của Thư Ngọc Hầu giới thiệu về giai thoại của Thư Ngọc Hầu

Cây xoài cổ thụ

Đến thăm Phủ thờ Thư Ngọc Hầu, điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng là cây xoài cổ thụ sừng sững ngay trong khuôn viên Phủ thờ. Ông Mương cho biết, cây xoài này đã gắn bó với gia đình ông qua nhiều thế hệ, ước tính hơn 70 năm tuổi. Đây là cây đời thứ 2 của cây “xoài Tổ”, được trồng từ năm 1950. Cây xoài đầu tiên do bà nội của ông trồng cách đây hơn 100 năm, từng che mát cả góc sân và cho trái sum suê. Xoài chín được mang biếu hàng xóm, bà con thấy vị xoài ngon nên gây giống, phát triển thành một đặc sản nổi tiếng của Làng Mỹ Xương - xoài cát chu. Thật không may, cây “xoài Tổ” đã chết dần sau đợt trúng bom trong một trận càn quét của địch vào năm 1972.

Hiện tại cây xoài - “đời thứ 2” vẫn được gia đình ông Mương gìn giữ và chăm sóc như một kỷ vật thiêng liêng của tổ tiên. Hàng năm, cây cho trái sai trĩu cành, vị ngọt lịm. Đối với gia đình ông Mương, cây xoài này không chỉ là cây ăn quả thông thường mà còn là một phần không thể thiếu của Phủ thờ, tượng trưng cho sự trường tồn và vững bền của dòng họ.


Cây xoài cổ thụ sừng sững trong khuôn viên Phủ thờ - Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư

Cây xoài như đã chứng kiến biết bao câu chuyện, bao thế hệ con cháu Thư Ngọc Hầu lớn lên và trưởng thành. Đây còn là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và lịch sử, tạo nên một không gian độc đáo và đầy ý nghĩa.

Chia sẻ về tương lai, ông Nguyễn Văn Mương bày tỏ mong muốn tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị của Phủ thờ Thư Ngọc Hầu, không chỉ là di tích lịch sử mà còn là điểm đến văn hóa, tâm linh thu hút du khách. Ông và các thành viên trong gia đình luôn sẵn lòng đón tiếp du khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, về Thư Ngọc Hầu cùng những đóng góp của ông cho vùng đất phương Nam.


Từ cây “xoài Tổ” - xoài cát chu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Làng Mỹ Xương

Trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Mương giúp tôi hiểu hơn về Thư Ngọc Hầu, về cây xoài cổ thụ và cảm nhận được lòng nhiệt thành của những người dân nơi đây trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; những kiến thức về lịch sử và cảm giác ấm áp về tình người, sự trân trọng những giá trị truyền thống của quê hương Đồng Tháp.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn