Đôi nét về nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Lê Thị Thanh Hương

Cập nhật ngày: 08/01/2023 06:24:36

ĐTO - Tôi gọi Lê Thị Thanh Hương là nhà nghiên cứu “trẻ”, bởi với tuổi U70, chị mới được kết nạp vào Hội Văn nghệ Dân gian (VNDG) Việt Nam (chị sinh năm 1950 và vào Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Tháp năm 2014; Hội VNDG Việt Nam năm 2017).

Chị là tấm gương về sự kiên trì vươn lên trong khao khát tiếp nhận, chiếm lĩnh kiến thức, tri thức nhân loại, cũng như lòng đam mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa - VNDG, đặc biệt là văn hóa - VNDG ở Đồng Tháp. Điều này có được ở Lê Thị Thanh Hương, một phần nhờ chị có thời gian làm thủ thư tại thư viện Trường THPT Thành phố Cao Lãnh, trước khi về hưu và hợp đồng trở thành nhân viên văn phòng tại Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp cho đến nay.

Ở Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp (Chi hội), trong 3 năm từ 2015 - 2018, cùng lúc “xuất hiện” 2 “tuyến” hội viên: một đã khá lớn tuổi như: Nguyễn Văn Ngộ (SN 1943); Lê Thị Thanh Hương (SN 1950); Lê Ngọc Thạc (SN 1952); Phạm Thị Toán (SN 1957)...; một còn rất trẻ như: Nguyễn Thanh Thuận (SN 1989); Lê Thành Thuận (SN 1988); Trần Thị Ngọc Ly (SN 1987); Dương Văn Triêm (SN 1985)..., đưa tổng số hội viên lên con số 18, trở thành một chi hội lớn mạnh hàng đầu không chỉ trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà còn trong phạm vi cả nước.

Trước hết, với tư cách là một hội viên cùng sinh hoạt, đồng thời là Chi hội Trưởng (được bầu bổ sung), tác giả bài viết này nhận thấy, nhà nghiên cứu Lê Thị Thanh Hương là một trong những thành viên hoạt động tích cực, góp phần vào sự phát triển vượt bậc của Chi hội trong thời gian qua. Dù cao tuổi nhưng Lê Thị Thanh Hương nhiệt tình, tích cực tham gia đầy đủ tất cả mọi hoạt động của Chi hội, cũng như của Phân hội VNDG (Phân hội) thuộc Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp: chị đã có mặt trong hầu hết những chuyến dã ngoại, điền dã trong và ngoài tỉnh; trong các trại viết và các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sưu tầm, nghiên cứu VNDG do tỉnh và Trung ương mở; trong các buổi họp mặt hay dịp kỷ niệm do Hội VNDG Việt Nam tổ chức...

Tuy nhiên, nói đến một nhà nghiên cứu, không chỉ nói đến tinh thần đam mê, vượt khó mà quan trọng hơn là phải nói đến kết quả cụ thể, được “tính” bằng tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu được công bố qua nhiều hình thức. Với Lê Thị Thanh Hương, ở phương diện quan trọng này, nổi lên 2 nét tiêu biểu:

1. Ở bất cứ hoạt động chuyên môn nào của Chi hội và Phân hội như: lớp tập huấn; trại viết địa phương và Trung ương tổ chức; cuộc vận động viết tác phẩm VNDG; tham dự xét đầu tư hàng năm của Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp..., Lê Thị Thanh Hương cũng tham gia một cách tích cực và đầy trách nhiệm. Tác phẩm của chị không chỉ đáp ứng sát sao tiêu chí đề tài do Ban Tổ chức đề ra mà luôn đảm bảo dung lượng có thể chấp nhận được đối với một công trình nghiên cứu (hàng chục, thậm chí cả trăm trang A4). Từ trại viết lần thứ nhất năm 2014 cho đến cuộc vận động viết tác phẩm VNDG năm 2017 do Phân hội tổ chức, Lê Thị Thanh Hương đã tham dự đều đặn với các tác phẩm: “Tín ngưỡng nữ thần ở Đồng Tháp” (21 trang); “Đặc sản mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười” (46 trang); “Phương tiện giao thông thủy vùng đồng bằng sông Cửu Long” (109 trang); “Bán hàng rong” (35 trang)... Ở lần xét đầu tư tác phẩm năm 2019, tác phẩm “Rượu trong đời sống văn hóa cư dân” của Lê Thị Thanh Hương đã được xếp loại A và lần gần đây nhất, năm 2021 (sau 1 năm gián đoạn vì đại dịch Covid - 19), tác phẩm “Tín ngưỡng dân gian cộng đồng ở TP Cao Lãnh” của chị cũng đã được xếp loại C (không có loại A)...

2. Với tư cách một nhà nghiên cứu VNDG, Lê Thị Thanh Hương đã quan tâm đặc biệt đến văn hóa - VNDG vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là Đồng Tháp. Có thể thấy, trong các tác phẩm của Lê Thị Thanh Hương như đã nêu ví dụ ở trên, rất ít tác phẩm có đề tài chung chung cho mọi vùng miền, mà hơn thế, chị luôn tập trung sưu tầm, nghiên cứu chính vùng đất phương Nam, chính miền Đất Sen hồng - nơi mình đang sinh sống. Điều này rất quan trọng đối với một nhà nghiên cứu VNDG, với tư cách là người am hiểu sâu sắc nhất vùng đất, con người, nền văn hóa, tri thức văn hóa - VNDG... trên chính quê hương, nơi chốn mình đang cư ngụ. Đọc “Tín ngưỡng dân gian cộng đồng ở TP Cao Lãnh” của Lê Thị Thanh Hương, ta thấy điều này khá rõ. Trong công trình dài 93 trang này, với tư cách là “dân bản địa”, Lê Thị Thanh Hương đã dày công sưu tầm, thống kê, tổng hợp, phân tích, kiến giải, đề ra giải pháp... một cách khá tỉ mỉ, đầy đủ về hệ thống tín ngưỡng dân gian cộng đồng ở TP Cao Lãnh như: tín ngưỡng thờ Thần hoàng cùng hệ thống đình làng, trong đó tiêu biểu là đình Mỹ Ngãi; tín ngưỡng thờ người có công mà tiêu biểu là Đền thờ Ông bà Đỗ Công Tường; tín ngưỡng tại miếu, trong đó tín ngưỡng tại Lăng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một cách tiếp cận mới, rất đáng quan tâm...

Nói đến nhà nghiên cứu Lê Thị Thanh Hương là nói đến một tinh thần đam mê và cầu tiến trong học thuật, nhưng rất đỗi giản dị, hòa đồng trong cuộc sống. Ở chị, toát lên một chân lý hết sức sâu sắc: khoa học, nghệ thuật nói riêng, mọi lĩnh vực khác nói chung không bao giờ có tuổi và cuộc đời là một quá trình phấn đấu vươn lên không ngừng. Đó chính là hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Nhà nghiên cứu VNDG Lê thị Thanh Hương xứng đáng là tấm gương cho giới trẻ noi theo.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn