Tạo điều kiện để trẻ em tham gia vào các vấn đề mình quan tâm

Cập nhật ngày: 24/09/2021 10:55:16

ĐTO - Những năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em (TE) trên địa bàn huyện Tháp Mười được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động “Diễn đàn TE”, các cuộc khảo sát được tổ chức hàng năm; các kênh truyền thông, sinh hoạt mô hình câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm trong trường học, TE còn được tạo điều kiện trình bày những vấn đề mình quan tâm đến các cấp có thẩm quyền tại địa phương.


Trẻ em tham gia Liên hoan các đội tuyên truyền măng non về luật trẻ em năm học 2020 – 2021 do Hội đồng Đội huyện tổ chức

Hàng năm, căn cứ các kế hoạch của UBND tỉnh về thúc đẩy quyền tham gia của TE vào các vấn đề về TE, UBND huyện Tháp Mười đều xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện, UBND xã, thị trấn triển khai hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của TE lồng ghép với công tác chăm sóc, bảo vệ TE tại địa phương. Huyện đẩy mạnh công tác truyền thông trên Đài truyền thanh huyện, Trạm truyền thanh các xã, thị trấn thông qua các chương trình, phóng sự phát thanh về nội dung thúc đẩy quyền tham gia của TE vào các vấn đề của TE. Lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các chương trình chăm sóc, bảo vệ TE cho giáo viên, học sinh trong nhà trường; tập huấn kỹ năng, kiến thức tuyên truyền cho cán bộ phụ trách công tác TE các xã, thị trấn, cán bộ Đoàn, Đội các cấp trên địa bàn.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các xã, thị trấn tham gia và tổ chức tốt các hoạt động nhân Tháng hành động vì TE và khảo sát ý kiến TE sinh hoạt tại CLB TE trên địa bàn... Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện lồng ghép nội dung thúc đẩy sự tham gia của TE vào các vấn đề của TE trong các hoạt động của đơn vị. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Tháp Mười đã tổ chức các đợt khảo sát 56 cuộc khảo sát ý kiến TE thông qua mạng internet và Diễn đàn TE, thu hút trên 2.200 lượt TE tham gia. Thông qua các hoạt động này, bên cạnh việc được giao lưu, vui chơi, giải trí, TE còn tham gia thảo luận, kiến nghị các cấp có thẩm quyền về vấn đề mình quan tâm như: chăm lo cho TE có hoàn cảnh khó khăn, bạo lực học đường, TE bị đuối nước, bị xâm hại và bạo hành... Từ đó, các đơn vị tổng hợp ý kiến, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc TE và thực hiện quyền TE sát với thực tế, từng bước đáp ứng nguyện vọng của TE trên địa bàn.

Nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của TE, mỗi năm, Hội đồng Đội huyện đều tổ chức các tập huấn nâng cao năng lực thực hiện quyền TE cho đội viên, cán bộ Chỉ huy Liên đội. Qua các lớp tập huấn góp phần trang bị kỹ năng thực hiện quyền tham gia của TE; kỹ năng tự bảo vệ TE và thực hiện quyền tham gia của TE... Hội đồng Đội xã, thị trấn duy trì sinh hoạt các CLB TE, giáo dục kỹ năng sống cho TE nhân các ngày lễ, Tết, Tết trung thu. Liên đội các trường học trong huyện thành lập 183 CLB học tập với 5.319 thành viên, tạo điều kiện cho TE tham gia vui chơi giải trí, học tập, thi đua rèn luyện kỹ năng sống...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thúc đẩy quyền tham gia của TE vào các vấn đề của trẻ trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, mô hình do TE khởi xướng trên địa bàn huyện còn hạn chế, phong trào chưa thu hút được sự tham gia của nhiều TE; công tác kiểm tra, giám sát về sự tham gia của TE chủ yếu là lồng ghép chưa thực hiện chuyên đề riêng; ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động dành cho TE không thể tổ chức.... Để nâng cao hiệu quả việc thúc đẩy quyền tham gia của TE tại địa phương, UBND huyện Tháp Mười kiến nghị tỉnh đầu tư thêm kinh phí duy trì các mô hình sinh hoạt cho TE tại các xã, thị trấn và trong trường học. Đồng thời nghiên cứu đề ra các nội dung, mô hình hoạt động phù hợp để TE tham gia trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

P.LỘC-N.NGỌC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn