30 năm gắn bó với nghề cộng tác viên y tế cơ sở

Cập nhật ngày: 27/02/2023 11:56:08

ĐTO - Những cộng tác viên y tế tại cơ sở, có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Họ ngày đêm thầm lặng chăm sóc sức khỏe cho mọi người, có ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng và xã hội. 

Cô Nguyễn Thị Ba (cô Ba) 76 tuổi, ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, làm cộng tác viên y tế ở địa phương từ năm 1993. 30 năm qua, cô Ba luôn dành nhiều thời gian cho việc tuyên truyền, vận động người dân trong ấp cách phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, kế hoạch hóa gia đình…


Cô Ba (phải) hướng dẫn người dân diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết

Trong năm 2022, vào thời điểm dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng mạnh ở huyện biên giới Tân Hồng, chúng tôi tháp tùng với đoàn giám sát của tỉnh đi thực địa kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng của huyện, trong đó có xã Tân Công Chí và thị trấn Sa Rài. Qua chuyến đi thực tế này, chúng tôi mới thấy hết nỗi vất vả của những người làm nghề cộng tác viên y tế cơ sở như cô Ba. 

Cô Ba chia sẻ, cô bắt đầu làm cộng tác viên 3 màu áo (y tế - dân số - phụ nữ) từ lúc 40 tuổi. Mặc dù hiện nay tuổi đã cao và không còn khỏe, cộng tác viên lại không còn tiền thù lao như trước, nhưng cô vẫn tiếp tục tự nguyện làm công việc này. Hiện nay, cô phụ trách 314 hộ gia đình của ấp. Bản thân không biết chạy xe máy, cô đi xe đạp đến từng gia đình để cân, đo trẻ dưới 5 tuổi và ghi vào sổ của chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em để báo về Trạm y tế. Cô cũng thường xuyên đi phát tờ rơi và hướng dẫn người dân diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng…; vận động các gia đình nên sinh từ 1-2 con là đủ, hướng dẫn cho các chị em đi khám thai định kỳ và thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn… Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô cũng đã tham gia vào đội trực chốt của ấp ròng rã 3 tháng.  

Cũng nhờ những người cộng tác viên như vậy, người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe dù rất đơn giản; những kiến thức cơ bản để thay đổi thái độ cũng như nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi từ có hại đến có lợi cho sức khỏe của bản thân và gia đình; những thông tin thật ý nghĩa về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe thế nào an toàn và hiệu quả nhất…

Còn cô Nguyễn Thị Trinh, năm nay đã 62 tuổi, ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng cho biết, cô bắt đầu tham gia làm nhân viên y tế khóm, ấp từ tháng 6/1996, đến nay đã được 27 năm trong nghề. Cô Trinh tâm sự: "Làm nghề này chủ yếu là vì cái tâm, vì yêu trẻ và giúp dân chứ số tiền hàng tháng có là bao, được có mấy trăm ngàn đồng". Hiện nay, cô phụ trách 1.000 hộ gia đình của khóm. Công việc của cô là tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống các loại dịch bệnh, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Cô còn đảm nhận mảng phòng, chống lao, phòng, chống HIV/AIDS và chương trình xóa đói giảm nghèo của khóm.


Cô Nguyễn Thị Trinh 

Đến tận nơi, nhìn tận mắt công việc của những cộng tác viên y tế ở cơ sở, chúng tôi mới thấy hết nỗi vất vả của họ, nhưng về chế độ cũng như tiền bồi dưỡng chẳng được là bao, chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng.

Được hỏi khi nào cô Ba và cô Trinh mới nghỉ làm công việc cao cả này, không ngập ngừng suy nghĩ, cả 2 cô đều đáp ngay, cứ làm hoài, làm mãi, làm đến khi nào không thể làm nổi thì thôi. Cô Ba và cô Trinh là tấm gương của sự yêu nghề, cống hiến thầm lặng, lo cho sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi nghĩ rằng, nơi nào cộng tác viên y tế cơ sở cũng nhiệt huyết, tận tâm với công việc được giao như cô Ba và cô Trinh thì chắc chắn nơi đó công tác phòng, chống dịch bệnh và các hoạt động khác của y tế cơ sở sẽ thành công và hiệu quả.           

Nguyễn Hiền -Thanh Hùng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn