Băn khoăn phòng khám, chữa bệnh tư nhân

Cập nhật ngày: 06/11/2015 13:08:14

Vẫn còn những cơ sở y tế tư nhân hành nghề vượt quá phạm vi cho phép, trực tiếp bán thuốc tại phòng khám, thậm chí khám, chữa bệnh (KCB) “chui”, vì lợi nhuận xem thường tính mạng bệnh nhân.


Thuốc tại các phòng khám, chữa bệnh tư nhân thường được bóc trần, không còn nhãn hiệu

“Độc quyền mà”

Một tối cuối tháng 10/2015, chỉ sau hơn 1 giờ kể từ khi bắt đầu cho bắt số khám bệnh, phòng khám bệnh (PKB) ngoài giờ của 2 bác sĩ (BS) tại phường 2, TP.Cao Lãnh rất đông phụ huynh đưa trẻ em đến khám. Tiếng la khóc, tiếng gọi bắt số, người chật chội từ bên trong đến bên ngoài PKB. Tại PKB này, nhiều người lớn, trẻ em mắc bệnh tay chân miệng (TCM), cảm, sốt,... vào chung một phòng khám.

Tôi chen vào bắt được một số khám bệnh, là số 60. Tìm đến một góc tường ngồi chờ, tôi tỏ vẻ than phiền số lớn quá không biết chừng nào mới tới lượt khám cho con. Anh Lũ - ba bé Hiền (ngụ thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) bảo: “Số khám bệnh của con tôi bốn mươi mấy sắp đến rồi, anh chờ chút xíu là tới. Ở đây khám nhanh lắm”. “Anh tới khám lần nào chưa mà biết?” - tôi hỏi. Vợ anh Lũ ngồi gần tiếp lời: “Hồi trước đến giờ tôi đến đây khám không hà. Lần trước con trai lớn tôi đến đây khám mấy ngày, cháu nó sốt, BS cứ bảo để theo dõi. Tôi thấy không bớt, đưa đi bệnh viện thì giật cả mình khi biết cháu bị sốt xuất huyết (SXH)”. Chị còn giải thích thêm là mấy hôm nay đưa đứa con thứ 2 đến đây khám vì thấy bé chỉ cảm ho, sổ mũi nên không lo là bệnh SXH.

Tại bàn bắt số và ghi tên các bé, A. - nhân viên PKB ngoài giờ của 2 BS làm việc không ngưng tay, liên tiếp đọc số, gọi tên từng bé vào khám. Khi nghe A. hỏi mẹ một bé trai: “Bé theo dõi bệnh TCM đây ngày thứ mấy rồi?”, một chị trạc 30 tuổi nói giọng run run, vẻ mặt đầy lo lắng bảo: “Dạ ngày thứ 5”, khiến tôi không khỏi lo lắng cho bệnh tình của bé và các bé khác đang khám vì nơi đây đông người, dễ lây bệnh lẫn nhau; vì cứ theo dõi hoài, khi bệnh nặng liệu người nhà có trở tay kịp không? Rồi tôi chợt nhớ gần đây trong tỉnh có 1 trẻ tử vong do mắc bệnh TCM, xa hơn là vào tháng 8 vừa qua, 1 trẻ trên địa bàn huyện Tam Nông tử vong do bệnh SXH mà nguyên nhân là bệnh nhi đi khám theo dõi bệnh nhiều ngày tại PKB tư, nhập viện trễ.

Phòng khám của 2 BS này rộng khoảng 30m2, có một vách ngăn để tách thành 2 phòng khám: chuyên khoa nhi do BS nữ phụ trách và chuyên khoa nội do BS nam phụ trách. Tuy nhiên, hôm ấy khi đồng hồ vừa bước sang 19 giờ, BS nữ cho biết có việc phải ra ngoài. A. bảo mọi người: “Những bé đã khám BS nữ thì qua cho BS nam khám tiếp và nhận thuốc”. Tôi lại gần A. và hỏi: “Vậy con tôi chưa đến lượt khám mà BS nữ đi rồi thì sao?” A. bình thản bảo: “Thì còn BS nam đó. Bác ấy khám bé được luôn”. Trong lúc tôi còn tỏ vẻ nghi ngờ thì sau khi được nghe gọi tên, những người lớn, trẻ em lần lượt vào phòng cho BS nam khám và đưa thuốc mang về uống. Thấy tôi có vẻ âu lo, mẹ bé Hiền trấn an: “Ông ấy khám bình thường, có cái tại không chuyên nhi, không hiểu rõ bệnh trẻ em như BS nữ nên tôi thấy ông khám, đưa thuốc uống không hay bằng vợ”. Tôi bảo: “Chị thấy không hay bằng, giờ BS nữ đi rồi, sao chị không lấy toa hôm trước để BS tham khảo”. Chị ngớ người ra, tặc lưỡi than: “Đơn thuốc gì chứ? Ở đây thuốc độc quyền mà. BS khám rồi đưa thuốc luôn, đâu có đưa đơn thuốc, cũng không đưa giấy khám bệnh gì cả”.

Ngày hôm sau tôi đưa con đến trễ hơn ngày đầu nửa giờ và được số khám bệnh là 84. Dẫn bé vào phòng khám, tôi cảm thấy thất vọng khi được BS hỏi sơ sài về bệnh của con mình. Chưa đầy 2 phút, bé được khám xong. Tôi thấy ngay phía sau phòng khám là một phòng chứa thuốc, có nhân viên lấy thuốc ra đưa BS. Thấy tôi nhìn phòng chứa thuốc, BS nữ vội kêu: “Em ra ngoài ngồi chờ lãnh thuốc”. Khi BS gọi vào nhận thuốc, tôi mới “khai” thêm chứng đau bụng và dị ứng của con thì lúc này BS nữ vội kéo hộc bàn làm việc ra lấy thêm vài viên thuốc. Nhận thuốc uống 2 ngày, giá 90 ngàn đồng, quan sát xung quanh, tôi không thấy niêm yết giá khám bệnh cho mỗi bé là bao nhiêu và mang thuốc (tất cả viên thuốc đều được bóc trần, chỉ có 1 gói thuốc có dòng chữ) đến quầy thuốc tây gần đó hỏi. Sau khi xem đi xem lại nhiều lần, chủ quầy thuốc cho biết không xác định rõ thuốc lắm nhưng theo kinh nghiệm thì thuốc này tầm khoảng mười mấy ngàn đồng.

Cách PKB ngoài giờ của 2 BS nêu trên không xa là phòng khám nhi ngoài giờ của 2 vợ chồng BS khác. Qua tìm hiểu từ những người thân của bệnh nhi đang được khám ở đây, được biết cách thức hoạt động của phòng khám này cũng dạng “độc quyền”, khá giống PKB của 2 BS nêu trên. Có điều là phòng khám của 2 BS này có lưu sổ bệnh nhi, tuy nhiên BS không cho người nhà mang sổ về, lần sau khám chỉ cần điện thoại nói số sổ là được.

Đau cổ thì... chích cổ!

Hơn 9 giờ sáng, tôi tạt vào chợ Thanh Bình (huyện Thanh Bình) nhờ một chị bán nước đá mía chỉ giùm một phòng khám bệnh tư. Chỉ tay về hướng cuối chợ, chị bảo: “Giờ BS đi làm hết rồi, lại nhà ông Sáu Băm mua thuốc uống hay chích đi. Ổng lúc nào cũng ở nhà”.

Vừa bước vào nhà, tôi chưa kịp chào hỏi thì một thanh niên bảo: “Anh chích thuốc hả, qua bên hông nhà đi”. Nơi KCB của ông Sáu Băm là một mái hiên được cất tạm nhưng được đặt đến 2 giường khám bệnh, một tủ để thuốc, nước truyền dịch và dụng cụ hành nghề. Ông Sáu Băm khám bệnh tỏ ra khá chuyên nghiệp, đo huyết áp, dùng tai nghe để “đọc” bệnh, hỏi tôi bệnh sao. Tôi nói bị đau cổ và hai bên vai nhiều ngày không hết. Vừa nghe tôi nói vậy, ông sờ vào cổ cho có lệ rồi đến bàn lấy thuốc ra bảo chích. Tôi hỏi: “Con bệnh gì vậy bác?” Ông Sáu Băm với vẻ mặt đầy nghiêm trọng, chỉ tay vào phía sau cổ phán rằng: “Huyết áp tăng cao đến 13. Dây thần kinh cổ bị liệt”. Trước sự suy đoán bệnh một cách tùy tiện, tôi gặng hỏi ông chích thuốc giá bao nhiêu? Chích vô mông hả? Ông lại phán một câu xanh rờn: “Chích giá 50 ngàn đồng. Chích vào mạch máu cổ”. Nghe nói vậy tôi thấy ớn lạnh cả “xương sống” và liền viện cớ nói sợ chích thuốc nên nhờ ông “cộng” thuốc uống. Mang bọc thuốc 3 liều đưa tôi, ông lấy 20 ngàn đồng bảo uống trong ngày. Thuốc ông Sáu Băm đưa uống 5 viên nhưng có 4 viên đã phai màu, lên mốc.

Ông Sáu Băm năm nay 68 tuổi (ngụ thị trấn Thanh Bình), có bằng điều dưỡng, ông bảo làm ở Trạm Y tế thị trấn Thanh Bình được vài năm do bất mãn với cán bộ nơi đây nên nghỉ ở nhà mở phòng KCB cho đến nay. Chẳng những vừa khám bệnh, “cộng” thuốc tây công khai, ông còn khoe với tôi là ông có truyền nước biển (truyền dịch) mỗi chai từ 120 - 150 ngàn đồng.

“Ở huyện Thanh Bình, các phòng KCB tư nhân đều là những người trong nghề nên ai cũng được cấp giấy phép hoạt động cả. Từ đầu năm đến nay cũng không có PKB tư nào vi phạm bị phát hiện xử lý” - Một vị cán bộ Phòng Y tế huyện cho tôi biết như thế về công tác quản lý phòng KCB tư nhân. Tuy nhiên, khi tôi đề cập đến trường hợp ông Sáu Băm thì vị cán bộ này ra vẻ chợt nhớ: “À, trường hợp này hồi đầu năm 2015 Phòng có đến kiểm tra 1 lần, thấy phòng KCB của ông không hoạt động nên chỉ khuyên ông không được KCB vì ông không có giấy phép hành nghề”. Được biết, hiện nay toàn huyện Thanh Bình có 55 cơ sở tư nhân hành nghề y và y học cổ truyền, trong đó có 13 cơ sở chưa được cấp phép. Phòng đã nhắc nhở các cơ sở chưa có giấy phép hoạt động thì không được hành nghề, tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn có cơ sở hành nghề “chui”.


Phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh tại một phòng khám bệnh ngoài giờ

Khó khăn trong việc thanh, kiểm tra?

Từ đầu năm 2015 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của 12 huyện, thị, thành đã thanh tra 236 cơ sở y tư nhân, có 30 cơ sở vi phạm đã nhắc nhở, viết cam kết do mắc các lỗi về ghi chép sổ sách tại PKB chưa đầy đủ như: không ghi tên bệnh nhân, chẩn đoán bệnh, điều trị như thế nào,... Bác sĩ Đặng Ngọc Hiệp - Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, theo nguyên tắc, các PKB tư nhân, BS không được hành nghề vượt quá phạm vi cho phép, không được điều trị mà chỉ khám, ghi toa cho bệnh nhân ra ngoài mua thuốc, đồng thời phải dán bảng công khai giá khám bệnh; trường hợp không ra toa thuốc cho người bệnh ra ngoài mua thuốc mà bán thuốc tại nơi khám bệnh và trường hợp khám bệnh giữ sổ bệnh nhi tại phòng khám không cho mang sổ về nhà là sai quy định. Thanh tra Y tế tỉnh cũng muốn thực hiện tốt việc phát hiện, xử lý tình trạng phòng khám tư vừa khám bệnh vừa bán thuốc nhưng việc thanh kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn. BS Hiệp cũng khẳng định có tình trạng KCB “chui” nhưng việc thanh tra gặp khó khăn vì nếu muốn vào nhà bắt quả tang KCB “chui” thì phải có quyết định khám xét của UBND cấp huyện.

Theo Sở Y tế, hiện toàn tỉnh có gần 500 phòng khám tư nhân được cấp phép. Thực trạng vẫn còn nhiều cơ sở phát sinh các khuyết điểm, tiêu cực: hành nghề không có giấy phép hoạt động, hành nghề vượt quá phạm vi cho phép, phòng khám không kê đơn,... Sắp tới, Sở chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra tất cả cơ sở y, dược ngoài công lập, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, vi phạm về y đức; xử lý nghiêm minh các cơ sở y, dược ngoài công lập vi phạm các quy định của pháp luật về KCB. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn làm tốt công tác quản lý cán bộ; các cán bộ y tế tham gia hành nghề ngoài giờ phải báo cáo lãnh đạo đơn vị và phải cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Xem xét việc chấp hành pháp luật hành nghề KCB là tiêu chuẩn bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng. Sẽ kiểm tra đột xuất, thường xuyên nhằm không để chủ cơ sở đối phó lại với đội kiểm tra, né tránh vi phạm.

Việc khám bừa, chích thuốc là không phải chuyện đùa vì dễ gây tai biến chết người khiến ta không khỏi băn khoăn, lo lắng. Tình trạng phòng khám tư hoạt động tràn lan như hiện nay đòi hỏi ngành y tế tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm.

* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Như Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn