TP Cao Lãnh

Chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

Cập nhật ngày: 13/06/2022 10:22:46

ĐTO - Đến tháng 6/2022, toàn TP Cao Lãnh ghi nhận 205 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 3 ca nặng từ độ 2b. Theo dự báo của ngành y tế thành phố, số ca TCM có chiều hướng tăng trong những tháng tới do bước vào thời điểm chu kỳ của dịch bệnh. Trung tâm Y tế (TTYT) TP Cao Lãnh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, UBND xã, phường tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh và xử lý sớm ổ dịch. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chủ động các biện pháp phòng ngừa, góp phần bảo vệ trẻ em trước nguy cơ mắc bệnh TCM.


Trẻ em tại Trường Mầm non Anh Đào (Phường 1, TP Cao Lãnh) thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng

Xác định bệnh TCM là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, từ đầu năm, TTYT TP Cao Lãnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh TCM trên địa bàn. Tổ chức kiện toàn Đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch TCM các tuyến, sẵn sàng tham gia xử lý ổ dịch. Đồng thời tăng cường hoạt động giám sát bệnh TCM từ các cơ sở điều trị thông qua báo cáo ca bệnh hàng ngày từ các Trạm y tế xã, phường. Khi phát hiện ca bệnh, TTYT thành phố tiến hành xử lý kịp thời, không để hình thành các ổ dịch cộng đồng, góp phần kiềm chế dịch lan rộng.

Trong hoạt động điều trị, TTYT TP Cao Lãnh tổ chức phân tuyến điều trị phù hợp, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là TCM tránh lây nhiễm chéo; dự trù đầy đủ thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh.

Tiếp tục chủ động các giải pháp kiểm soát dịch bệnh TCM, trong tháng 5/2022, TTYT TP Cao Lãnh đã tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống bệnh TCM cho gần 70 nhân viên y tế khóm, ấp tại 15 xã, phường trên địa bàn, nhằm góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế cơ sở. Trên cơ sở đó, Trạm y tế các xã, phường chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh TCM từ cộng đồng để có biện pháp giám sát, xử lý kịp thời không để bùng dịch. Tăng cường truyền thông trên hệ thống trạm truyền thanh, kết hợp với tổ chức cho nhân viên y tế vãng gia tuyên truyền trực tiếp cho các hộ dân về biện pháp phòng, chống bệnh TCM... TTYT TP Cao Lãnh còn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM.

Tại Trường Mầm non Anh Đào (Phường 1, TP Cao Lãnh), Ban Giám hiệu nhà trường đã quán triệt nội dung chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh TCM của ngành y tế đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, từ đó, tổ chức triển khai đảm bảo hiệu quả. Bà Huỳnh Thanh Tuyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Anh Đào, cho biết: “Phòng, chống bệnh TCM, Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế. Chú trọng công tác phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh TCM, phối hợp với cơ quan y tế để xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan trong trường học. Đồng thời chỉ đạo cán bộ, giáo viên nhà trường tăng cường hoạt động vệ sinh lớp học, vệ sinh khuôn viên, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Ở mỗi lớp học, giáo viên chủ động khâu vệ sinh, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng. Giáo viên còn tăng cường tuyên truyền cách phòng bệnh TCM ở trẻ cho phụ huynh thông qua các buổi đưa đón trẻ; khuyến cáo phụ huynh cho bé ở nhà khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh TCM, qua đó, tránh lây lan dịch bệnh trong nhà trường...”.

Nhận định về diễn biến dịch bệnh TCM, Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Anh Khương - Phó Giám đốc TTYT TP Cao Lãnh cho biết, thông qua hoạt động giám sát ca bệnh, ngành y tế thành phố dự báo số ca mắc TCM sẽ có chiều hướng tăng trong thời gian tới. Để kiểm soát tốt, không để dịch bệnh TCM phức tạp, TTYT thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc các Trạm y tế xã, phường tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị dự phòng đáp ứng các tình huống dịch...

Ngành y tế thành phố cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, người trông giữ trẻ cần chú ý đến khâu vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt của trẻ để phòng bệnh. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện như: sốt, ăn kém, mẫn đỏ ở vùng tay, chân, vòm họng... nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn